hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Phát huy giá trị làng du lịch sinh thái Đại Bình (13/11/2014)
Ở các góc nhìn khác nhau, từng vị đại biểu đã đóng góp những ý kiến rất có giá trị, sát với thực tế làng du lịch sinh thái Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) và sau khi kết thúc, Hội thảo đã cho ra một bức tranh toàn cảnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng Du lịch sinh thái Đại Bình.

Một góc làng du lịch Đại Bình

 UBND huyện Nông Sơn vừa phối hợp với Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quảng Nam (đơn vị tư vấn) tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Làng Du lịch sinh thái Đại Bình; tham dự Hội thảo lần này có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển du lịch; các doanh nghiệp lữ hành. Ở các góc nhìn khác nhau, từng vị đại biểu đã đóng góp những ý kiến rất có giá trị, sát với thực tế và cho ra một bức tranh toàn cảnh về việc bảo tồn và phát huy giá trị của Làng Du lịch sinh thái Đại Bình. 

Ở góc độ chuyên gia, Gs.Ts.Kts Lê Hồng Kế - Viện trưởng Viện NCMT & QHPTBV đã tổng hợp và giới thiệu một số kinh nghiệm ở trong nước và thế giới về bảo tồn các giá trị truyền thống dựa vào cộng đồng; Theo ông, Đại Bình cần phải bảo tồn và phát huy tác dụng của các giá trị vật thể như: vườn trái cây, hàng rào chè tàu, các ngôi nhà cổ, đình làng, núi Cấm... Cần nghiên cứu để tổ chức không gian nhà ở, nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí một cách hợp lý; để phù hợp với điều kiện sống, sinh hoạt của nhân dân nhưng cũng phải thuận lợi cho việc đón tiếp du khách sau này. Đối với các giá trị “phi vật thể”, cần nghiên cứu những giá trị truyền thống để đề xuất các hình thức trải nghiệm mới; từ những thực phẩm sẵn có và cách chế biến truyền thống ở địa phương cần biến ẩm thực Đại Bình trở thành nét hấp dẫn riêng đối với du khách; cần nâng cao ý thức, tổ chức đào tạo cho người dân địa phương biết cách làm du lịch, để họ vừa là nhân vật, vừa là tác giả, vừa là thuyết minh viên cho những sản phẩm của mình.
 
Cũng ở góc độ chuyên gia, nhưng Kts Bùi Kiến Quốc - Viện sĩ Viện Hàn lâm kiến trúc Pháp lại trình bày tham luận của mình theo một cách khác, ông cho rằng “văn hóa làng” là nét văn hóa đặc trưng và cơ bản của Việt Nam, nhưng do sự phát triển “thiếu cân nhắc” của xã hội, đã làm cho nét văn hóa đặc trưng này đa số bị phá vỡ. Làng quê, nông thôn mọi hình ảnh, mọi sinh hoạt thường ngày, các tập quán sản xuất của dân làng…với chúng ta là rất bình thường nhưng đối với du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài thì những cái này rất có giá trị; địa phương cần phải cố gắng gìn giữ và tìm cách phát huy. Trong quy hoạch không nên “căng ngay sổ thẳng” mà hãy tôn trọng những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Về môi trường, cải tạo cảnh quan, chống xói mòn, sạt lở đất... nên ưu tiên dùng các biện pháp sinh học, sinh thái để thực hiện các dự án.
 
Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tinh tuy không trực tiếp về tham dự, nhưng bằng sự quan tâm của mình, ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về lĩnh vực du lịch, ông đã gửi bài tham luận và nhìn nhận về Đại Bình: Với tiềm năng, lợi thế, Đại Bình là một trong số ít các địa phương còn giữ được nét văn hóa làng quê đặc trưng của Quảng Nam, với bến nước, cổng làng, đặc sản trái cây phong phú, đường làng quanh co, uốn lượn dưới tán cây rợp mát, người dân hiền hòa mến khách… là tiềm năng lớn để phát triển các sản phẩm du lịch. Đại Bình cùng với nước nóng Tây Viên, Hòn Kẽm – Đá Dừng, lăng bà Thu Bồn… sẽ tạo nên sự liên kết nội vùng, có thể tạo nên một chuỗi sản phẩm để thiết kế các tuyến dài ngày ở Nông Sơn. Du lịch của Đại Bình khi hình thành và phát triển sẽ liên kết với các trung tâm du lịch lớn như Hội An, Mỹ Sơn, Đà Nẵng thông qua đường bộ và đường thủy, tạo ra cơ hội đón khách du lịch với số lượng lớn trong đó có khách quốc tế. Vận dụng cơ chế của UBND tỉnh Quảng Nam về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và hải đảo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 để tranh thủ nguồn lực cho Đại Bình. Xây dựng các sản phẩm du lịch theo hướng bảo tồn, phát triển làng quê sinh thái. Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, trên kênh quảng bá du lịch của tỉnh, huyện, tời rơi, tờ gấp… Cần chú ý đến công tác đào tạo nhân lực tại chỗ về các kỹ năng thực hiện các nghiệp vụ du lịch như: homestay, ẩm thực, các loại hình văn hóa dân gian, thuyết minh viên, hướng dẫn làm vườn, chăm sóc cây ăn quả… Phải mạnh dạn đầu tư về công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm trái cây, tăng cường các loại cây có khả năng cho thu trái vụ để tăng thời gian phục vụ cho du khách.
        
Các đại biểu còn cho rằng: Quy hoạch phát triển phải gắn với bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể. Cần phải thấy rõ thực trạng để đánh giá tiềm năng và cơ hội một cách chính xác thì mới có cơ sở khoa học cho việc xây dựng Đồ án quy hoạch có tính khả thi cao.Về vấn đề giao thông, hiện tỉnh đã có chủ trương đầu tư dự án đèo Phường Rạnh, bến đò Trung Phước cũng được xây dựng một cách hiện đại; trong tương lai không xa, Đại Bình sẽ thuận lợi hơn trong việc kết nối với các trung tâm du lịch lớn ở trong và ngoài tỉnh.
         
Ông Hoàng Quy (thôn Đại Bình) mong rằng nhà nước sớm đầu tư để Đại Bình sớm được làm du lịch, tạo cơ hội việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các cấp, ngành liên quan quan tâm đến vấn đề môi trường, sinh thái để khỏi ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và phát triển du lịch sau này.
         
Về phía Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quảng Nam: Trước mắt bảo tồn và tìm cách phát huy giá trị vốn có của khu dân cư hiện hữu, chỉ chỉnh trang hiện trạng và điểm xuyết thêm một số công trình công cộng không thể thiếu ở khu vực này. Quy hoạch để phát triển khu vực phía Tây theo chuẩn hiện đại, để phục vụ tốt nhu cầu đưa, đón khách với số lượng lớn sau này và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của nhân dân theo hướng hiện đại, quy mô lớn.
 
Ở góc nhìn của khách hàng, ông Phạm Đình Hoàng, đại diện Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam –Vitours thì cho rằng: Để có khách đến với Đại Bình, yêu cầu đầu tiên phải làm là xây dựng các sản phẩm du lịch, sản phẩm phải mang tính đặc trưng riêng của địa phương. Phải xây dựng các dịch vụ kèm theo đủ điều kiện để phục vụ các nhu cầu ăn, nghỉ, tham quan, giải trí cho du khách; từng bước cải thiện hạ tầng giao thông để nâng cao khả năng kết nối với các trung tâm du lịch lớn. Đặc biệt là chú trọng khâu quảng bá một cách đa chiều, đa thông tin, đa phương tiện để hình ảnh của Đại Bình sớm đến được với các doanh nghiệp lữ hành, đến được với du khách trong và ngoài nước. Về nhân lực cho du lịch thì cần phải được đào tạo để có tính chuyên nghiệp, chu đáo trong khâu phục vụ.
 
“Khi làm quy hoạch thì phải kết hợp được 02 yếu tố là bảo tồn và phát triển. Trước hết, là chỉnh trang để xây dựng tuyến đường bao ven sông; nâng cấp, tôn tạo cổng làng trở thành biểu trưng của du lịch Đại Bình. Đồ án quy hoạch cần khớp nối với các đề án, chương trình đang thực hiện ở địa phương như: quy hoạch đô thị Trung Phước; quy hoạch nông thôn mới… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan; định hướng cho nhân dân trong việc cải tạo vườn tạp, đầu tư công nghệ, chuyển đổi giống cây trồng… Cần tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển các sản phẩm du lịch như: đa dạng hóa đặc sản trái cây; cải tạo lại không gian xanh để vừa có đặc sản trái cây phục vụ, vừa thuận lợi cho việc tổ chức tham quan; phát huy thế mạnh của các món ăn truyền thống, các sản phẩm phục vụ cho việc mua sắm, làm quà của du khách”- Ông Huỳnh Tấn Triều - Chủ tịch UBND huyện kết luận tại Hội thảo.
 
Từ sự nhận diện, xác định được vị trí của nó; tạo cơ sở để giải các bài toán tiếp theo là: nên bắt đầu từ đâu? Làm những gì? làm như thế nào?… để phát triển du lịch Đại Bình. 
                                                          

Thanh Anh- Huỳnh Sơn

Lượt xem:  2,872 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 9 1 2 3 4 5 6 7 8 9
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com