hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Sức mạnh kết đoàn (17/11/2014)
Năm nay, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tại các khu dân cư thêm phần đầm ấm, vui tươi, sôi nổi. Bởi, trong năm qua, chính sức mạnh kết đoàn đã góp phần đem lại cuộc sống mới ngày càng ấm no, tiến bộ cho nhân dân...

 

Sôi nổi cuộc thi giã gạo của nhân dân thôn 2 (xã Trà Mai, Nam Trà My) trong Ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: HÀN GIANG
Sôi nổi cuộc thi giã gạo của nhân dân thôn 2 (xã Trà Mai, Nam Trà My) trong Ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: HÀN GIANG
 
Khắp nơi vui hội
 
Tầm 7 giờ sáng, khi xứ núi Trà My còn đang bồng bềnh trong sương mai, người dân thôn 2 (xã Trà Mai, Nam Trà My) đã tề tựu tại trụ sở UBND xã. Người già tranh thủ mời nhau miếng trầu; lớp trẻ kiểm tra lại các bộ chiêng, trống, thử nhạc để ít phút nữa biểu diễn văn nghệ mừng ngày hội đoàn kết. Nhìn lớp trẻ biểu diễn các tiết mục múa cồng chiêng truyền thống “khởi động” ngày hội làng, già làng Hồ Văn Nóc (tổ 4) trầm trồ: “Lớp trẻ bây giờ có thể sử dụng thành thạo nhạc cụ, thuộc lòng các điệu múa truyền thống, nhiều đứa còn đang tập hát cheo (lối hát của người dân bản địa) để có thể góp vui trong các ngày hội của làng khiến lớp già chúng tôi rất yên cái bụng”. Đến dự và chung vui với bà con thôn 2, đồng chí Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao tặng thôn bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc, với gửi gắm: “Cùng với đồng bào các dân tộc ở Trà My, nhân dân thôn 2 hãy luôn phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay xây dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ như mong ước của Bác”.
 
Tại Tây Giang, thôn Ahu (xã A Tiêng) là một trong 3 khu dân cư được chọn tổ chức ngày hội đại đoàn kết đầu tiên của huyện. Trên ngọn đồi Ahu xinh đẹp, ngôi làng chỉ có 81 hộ với 324 nhân khẩu sống quây quần, hạnh phúc bên nhau. Từ mấy ngày trước già làng Zơrâm Dóp đã cùng với Ban công tác Mặt trận thôn vận động bà con vệ sinh nhà cửa, sân làng sạch đẹp. Giữa sân làng, ngôi gươl - biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết của người dân thôn Ahu cũng được quét dọn tươm tất để đón bà con và khách đến dự ngày hội… Bên chén trà nóng, nhân dân Ahu quây quần trò chuyện, nghe kết quả một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở thôn mình. Trong khi đó, tại huyện miền núi Phước Sơn, dọc tuyến đường về khu dân cư Plây Kdhủh (thôn 4, xã Phước Đức) cờ hoa rực rỡ như tô thêm sắc màu trong ngày hội đoàn kết của đồng bào Bh’noong. Theo bà Hồ Thị Thơm - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 4, đã lâu lắm rồi đồng bào Bh’noong ở xã Phước Đức mới có dịp chung vui trong ngày hội đoàn kết của làng. Bởi vậy, ngay từ rất sớm đồng bào đã hoàn tất công việc nhà, cùng đến chia vui trong ngày hội chung lần đầu tiên được tổ chức cho cả 4 tổ đoàn kết của thôn.
 
Tại ngày hội ở khu dân cư Plây Kdhủh (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn), già làng Hồ Văn Nóa tham gia ý kiến đóng góp bằng sự nhìn nhận về thực trạng chung ngay chính địa phương mình. Đó là những người chồng vũ phu, lười lao động, rượu chè quá mức… khiến ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế gia đình. Do vậy, để tình trạng trên không còn tái diễn, già Nóa đề nghị cần có sự giúp sức từ phía chính quyền địa phương; đồng thời xây dựng các quy ước chung của làng và huy động sức mạnh cộng đồng để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đời sống người dân. Là địa bàn dân cư có đến 113 hộ với 446 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Bh’noong, Plây Kdhủh hiện có 57 hộ nằm trong diện nghèo. Kể từ sau khi Công ty Vàng Phước Sơn ngừng hoạt động, nhiều lao động địa phương làm việc cho công ty bị thất nghiệp khiến đời sống người dân càng gặp nhiều khó khăn. Nhưng rất nhanh sau đó, với sự hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều hộ ở Plây Kdhủh đã bắt đầu vực dậy; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng gắn với công tác bảo vệ rừng, từng bước chung tay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, trong những năm qua, từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống đồng bào Bh’noong đã có nhiều thay đổi. Từ con đường bê tông nông thôn trải dọc khu dân cư, cho đến công trình nước sinh hoạt tự chảy, trường học kiên cố,… góp phần tạo nên diện mạo mới cho Plây Kdhủh hôm nay.
Là địa bàn cách trở của xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn), để đến thôn Tứ Nhũ chỉ có một con đường là đi đò qua sông Thu Bồn. Ngay từ sáng sớm, bà con nhân dân đã tụ họp về nhà văn hóa thôn tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Hòa trong không khí vui tươi, sôi nổi của ngày hội, chị Trần Thị Thùy (43 tuổi), sống bằng nghề chèo đò, tâm sự: “Bao nhiêu năm qua tôi gắn bó với chiếc ghe, cuộc sống luôn chật vật, “chạy” cái ăn từng bữa, nhưng chưa năm nào tôi vắng mặt trong ngày hội đoàn kết. Dịp như thế này, bà con chúng tôi càng hiểu rõ hơn những lợi ích thiết thực và vai trò của mình trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Dù cuộc sống vạn đò bấp bênh và gặp nhiều khó khăn nhưng gia đình chị Thùy luôn nhiệt tình tham gia đầy đủ các khoản quyên góp ủng hộ, xây dựng gia đình văn hóa. Từ đó đến nay, hơn 3 năm gia đình chị được công nhận là gia đình văn hóa cấp xã. Thế nên dù thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường, nhưng từ sáng sớm, chị và 160 hộ dân địa phương đã tụ họp về đây để tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao.
 
Đổi thay trên mỗi miền quê
 
Con đường chính dẫn về nhà văn hóa thôn Lộc Đông (xã Quế Lộc, Nông Sơn) được treo cờ Tổ quốc, băng rôn, biểu ngữ chào mừng khiến ngày hội kết đoàn ở đây thêm long trọng. Hội trường nhà văn hóa chật kín người dự. Mọi người cùng chăm chú theo dõi đoạn phim phóng sự đang được chiếu do chính người dân của thôn quay lại. Xem xong đoạn phim, nét mặt mỗi người như thêm hân hoan về những đóng góp của gia đình mình đối với các phong trào chung của thôn. Bí thư Chi bộ thôn Lộc Đông - ông Đoàn Ngọc Thủy chia sẻ: “Thành quả đạt được của toàn thôn sau một năm qua đều được phản ánh đầy đủ trong đoạn phim này. Đây cũng là một trong những hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân rất hiệu quả”. Trong năm 2014, nhân dân toàn thôn đã đóng góp hơn 400 ngày công, hơn 40 triệu đồng, san lấp hơn 1.000m3 đất làm đường kiệt xóm, đường nội đồng, làm mới 650m đường bê tông, mở rộng và giữ gìn vệ sinh trên các tuyến đường; tường rào, cổng ngõ được xây dựng khang trang theo tiêu chí nông thôn mới. Năm 2014, toàn thôn có 344 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (có 375 hộ đăng ký); là năm thứ 11 Lộc Đông giữ vững danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Còn ở thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm (Nông Sơn), bằng những quy ước của mình, thôn đã huy động tối đa sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong các phong trào ở địa phương. Đến nay, nhân dân Tứ Nhũ đã ủng hộ hàng chục triệu đồng vào Quỹ vì người nghèo, góp công hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Toàn thôn có 80% số hộ có nước sạch sử dụng, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường… Từ năm 2002 đến nay, thôn luôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa cấp xã, hàng năm có 70 - 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa…
Người dân thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm Nông Sơn) vui hội. Ảnh: T.LÊ
Người dân thôn Tứ Nhũ (xã Quế Lâm Nông Sơn) vui hội. Ảnh: T.LÊ
 
Thời gian qua, từ các chương trình hỗ trợ của trung ương như 30a, 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận của cán bộ và nhân dân, đời sống người dân thôn 2 (xã Trà Mai, Nam Trà My) được nâng lên rõ rệt. Toàn thôn còn 75 nghèo, chiếm 23,73% số hộ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện. Năm 2014, toàn khu dân cư có 159 gia đình (tổng số 316 hộ) được UBND huyện Nam Trà My công nhận danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền. Chị Hồ Thị Lý - cán bộ Mặt trận thôn 2 cho biết, thôn đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cúng bái khi đau ốm dần được xóa bỏ. Già làng, người có uy tín ở khu dân cư luôn phát huy tốt vai trò tham gia vận động nhân dân xây dựng khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự, không có người vi phạm pháp luật.
 
Ở ngày hội đại đoàn kết tại thôn Ahu (xã A Tiêng, Tây Giang), chị Arất Thị Dang - Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Ahu vui mừng chia sẻ với chúng tôi rằng, năm nay thôn Ahu không có người sinh con thứ 3, chỉ còn 17 hộ nghèo trong tổng số 81 hộ… Trong cuộc trò chuyện nhân ngày đại đoàn kết, bà con Ahu không quên nhắc đến Zơrâm Thị La (18 tuổi, con gái ông Zơrâm Danh, người đầu tiên của thôn đỗ một lúc 2 trường đại học trong kỳ tuyển sinh đại học 2014). Đây là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà của cả cộng đồng thôn Ahu. Về kinh tế, người dân Ahu đang tập trung mở rộng diện tích cây cao su (toàn thôn hiện trồng được 40ha) và phát triển chăn nuôi.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  2,025 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 8 1 2 3 4 5 6 7 8
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com