Tư thương đến tận vườn thu mua mét
Dù nhiều loại cây trồng khác đang có xu hướng tăng nhưng diện tích mét trên địa bàn huyện vẫn ổn định và đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.
Cây mét đã có mặt trên các cánh rừng của huyện miền núi Con Cuông từ rất lâu đời. Với chi phí đầu tư thấp, thích nghi rộng, ít sâu bệnh, tạo ra nguồn thu thường xuyên, ổn định… 10 năm trở lại đây, diện tích mét trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Đó cũng là thời điểm, nhiều hộ dân tộc Thái ở nơi đây mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng tìm hướng thoát nghèo.
Năm 1993 gia đình bà Lang Thị Thân ở bản Phục, xã Đôn Phục khai hoang 4ha đất đồi. Lúc đầu, gia đình bà trồng 1,5ha mét, số còn lại trồng keo. Nhờ hiệu quả kinh tế cao, lại có thu nhập và tạo công ăn việc làm thường xuyên, sau đó gia đình bà chuyển toàn bộ diện tích sang trồng mét. Kể từ đó, gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định, các lao động trong nhà đều có công ăn, việc làm, không còn cảnh đói cơm, đứt bữa.
Bà Thân phấn khởi: “Cái hay của cây mét là có thu nhập quanh năm, vừa thu hoạch măng mét vừa bán cây mét, đầu ra cũng ổn định, thương lái đến thu mua tại chỗ đối với cây to đẹp loại 1 có giá từ 23 - 25 ngàn đồng/cây, cây nhỏ 10 - 12 ngàn đồng/cây. Hàng năm, từ cây mét, gia đình tôi có nguồn thu gần 50 triệu đồng. Nhờ thế, gia đình tôi thoát cảnh nghèo đói, tích cóp xây dựng nhà cửa, cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn”.
Theo thống kê, đến nay bản Phục có 178/178 hộ, toàn xã có 2,7 nghìn hộ trồng mét. Hộ nhiều có 5 - 6ha, hộ ít cũng 1 - 2ha.
Bà Thân chăm sóc vườn mét
Còn gia đình ông La Văn Dương ở bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê có hơn 6ha đất đồi trước đây trồng keo. Năm 2005, khi cây mét được giá, ông đã chuyển toàn bộ diện tích sang trồng mét. Theo ông Dương, trồng mét không khó, chỉ cần chăm chỉ thì ngày nào cũng có thu nhập.
Ông Dương chia sẻ: “Trồng mét khá đơn giản thôi. Trồng một lần nhưng cho thu hoạch 40 - 50 năm. Muốn cây mét phát triển tốt thì phải chọn được giống tốt từ những cây mẹ 9 - 12 tháng tuổi, cây khoẻ mạnh phát triển cân đối, không gãy ngọn, không sâu bệnh. Nên chọn ngày râm mát, đất đủ ẩm để trồng cây. Mật độ trồng từ 200 - 300 cây/ha. Hố trồng phải chuẩn bị trước khi trồng 1 tháng. Lượng phân cho mỗi hố từ 15 - 30kg phân chuồng hoai + 0,3-0,5kg phân lân. Bón phân trộn đều với đất và lấp đầy hố trước khi trồng 15 ngày. Rừng trồng 5 - 6 năm có thể khai thác, sau khi khai thác phải dọn vệ sinh cành nhánh, làm cỏ, bón thêm phân”.
Bén duyên trên vùng đất đồi xã Lạng Khê bắt đầu từ năm 1997 và phát triển mạnh từ năm 2005, đến nay cây mét đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con nông dân, giúp không ít hộ thoát khỏi cảnh đói nghèo và vươn lên làm giàu. Có thể khẳng định, cây mét giờ đây đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế đồi rừng ở xã Lạng Khê.
Ông Ngân Đình Phòng, Phó Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho biết thêm: “Hiệu quả kinh tế từ cây mét có thể gấp 3 - 4 lần keo nguyên liệu. Chu kỳ phát triển của cây keo nguyên liệu phải mất 7 năm. Nếu đất tốt, có thể cho sản lượng 90 tấn/ha, tương đương với 60 triệu đồng/7 năm, trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận chỉ còn trên dưới 30 triệu đồng. Trong khi đó, từ năm thứ 6, mỗi năm, cây mét có thể cho nguồn thu trên dưới 20 triệu đồng/ha, lợi nhuận có thể đạt trên dưới 10 triệu đồng/ha/năm…".
Người dân xã Chi Khê thu hoạch mét
Lạng Khê là một trong những địa phương trồng mét nhiều nhất huyện với tổng diện tích mét trên 1.000ha. Cả xã có 7/7 bản trồng mét, trong đó tập trung nhiều nhất là ở 2 bản Chôm Lôm, Động Tiến. Nhu cầu cây mét trên thị trường hiện khá khá lớn, mỗi ngày có 2 - 3 xe ô tô vận tải thu mua. Hàng năm nguồn thu từ cây mét đóng góp vào ngân sách xã trên 30%. |
Theo ông Nguyễn Khắc Sỹ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Con Cuông, toàn huyện có gần 155 nghìn ha đất rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó có khoảng 3.000ha mét, chủ yếu tập trung ở các xã Lạng Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê, Đôn Phục… Cây mét nơi đây được trồng từ những năm 1980 và phát triển mạnh từ năm 2000. Do đầu ra tương đối ổn định nên diện tích mét không ngừng tăng lên.
UBND huyện Con Cuông có nhiều chính sách khuyến khích mở rộng diện tích mét. Xác định mét là cây thoát nghèo, giá cả có dao động nhưng sẽ ổn định vì có giá trị thiết thực trong đời sống nên huyện chủ trương giữ diện tích mét hiện có.
|