hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
“Mỏ vàng” lộ thiên của người Chi Lăng trên dãy Kai Kinh hùng vĩ (05/09/2017)
Kai Kinh là dãy núi đá vôi ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn sừng sững, hiểm trở từng bạt vía quân xâm lược. Tướng Liễu Thăng thời nhà Minh đã mất đầu trong trận đánh long trời lở đất ở cửa ải hiểm trở này. Năm tháng đi qua với bao thăng trầm, những ngách, vạt núi bỗng nảy hạt, đâm chồi lên những trái na ngọt thơm nức tiếng trong và ngoài nước. Nhờ đó, người Chi Lăng đã thoát nghèo, tiến đến làm giàu bền vững.

“mo vang” lo thien cua nguoi chi lang tren day kai kinh hung vi hinh anh 1

“Mỏ vàng” của người Chi Lăng trên dãy Kai Kinh hùng vĩ.

Tôi vinh dự được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chi Lăng lịch sử. Và điều may mắn hơn, nhà tôi lại có vạt na dưới chân núi Kai Kinh thuộc địa hạt thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Nghe bố tôi kể lại, ngày xa xưa, từ thập kỷ 40 của thế kỷ trước, những con chim Kheng Quý - một loài chim rừng rất tinh ranh lấy từ đâu về những hạt na đen nhánh thả xuống thớ đá, hốc cây để từ đó, trên núi đá vôi kỳ vĩ có những cây na ra quả mắt mở to, căng tròn, mọng nước.

Ngày ấy, cả vùng chỉ có ba nhà ở Đồng Mỏ có na. Thứ na bở riêng có mà cho đến tận bây giờ các vùng khác khó có được. Mãi về sau, khi cây na trở thành hàng hóa thì ở Đồng Bành, Sông Hóa người dân trồng thêm được quả na dai. Mà chỉ có na trồng trên thớ núi Kai Kinh mới thơm ngon, quả tròn, mát bổ.

Chuyện hái na

Ban đầu, vườn nhà tôi xuất hiện khoảng chục cây na. Thời đó, chiến tranh loạn lạc với giặc Pháp nên quả na mọc hoang dại. Đến mùa quả chín, người dân nào đói hoặc khát tự động leo lên cây, chọn quả to, hồng, mắt dầy hái rồi ăn tại chỗ. Nhiều khi quả chín rụng đầy gốc cây, các loài chim đến ăn, nhả hạt vương vãi dẫn đến na mọc thành từng vạt rừng. Từ ba nhà có vườn na; khu vực phố núi Đồng Mỏ và Lũng Cút có thêm vài chục nóc nhà có na ăn.

Vào những năm thập kỷ 70 thế kỷ 20, người dân Chi Lăng đã biết “đối lưu” quả na lấy gạo, ngô hoặc nhu yếu phẩm hàng ngày.

Cây na bở có đặc tính thân mềm, mọc thẳng, quả thường mọc ở giữa hoặc đầu cành. Chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm, độ 5 giờ để leo núi hái quả.

Nhà tôi lúc bấy giờ đã phát triển tới 400 cây na. Cây nào cũng vút thẳng tự nhiên, quả lúc lỉu đầy cành. Tôi cùng bố mẹ chia nhau từng khu vực để hái. Ngoài cái làn (tiếng địa phương để chỉ cái giỏ) đựng na thì chủ yếu đôi tay là phương tiện thu lượm quả ngọt.

Khoảng giữa tháng 7 âm lịch là thời điểm na chín rộ. Thời gian hái na cũng vì thế sớm tinh sương, độ 4-5 giờ sáng và thường kết thúc vào lúc mặt trời mọc đỉnh đầu người. Ngày ấy, cây sai chín hàng chục quảcây nên phải có người trợ giúp xách làn, đứng gốc cây bắt na khi người hái chính tung xuống. Đầy làn thì bố, mẹ tôi nhanh chóng mang na về chòi.

Quả na to thường mọc ở đầu ngọn nên việc leo trèo khá gian nan. Sau này, chúng tôi sáng chế ra cái sào có móc cong ở đầu để vít cành gần phía mình rồi ngắt quả. Dù có kinh nghiệm hàng chục năm trèo hái nhưng tôi vẫn thường bỏ sót quả bởi lá na ken đầy, xanh mướt. Nhiều bận vừa hái xong cây này, trèo lên cây khác mới phát hiện quả to đùng ở cây cũ lại phải lộn lại tìm lấy.

Na chín nhanh, vì vậy, ngày nào cũng phải thu lượm 2-3 lần. Gian khổ nhất là ngày mưa bão, người ướt, mắt cay vì mưa tóe ướt nhòe, nhưng trái na vô tư chín lựng, quả thì rơi xuống đất, quả bị chim khoét nham nhở.

Trèo na độ chục hôm, hai gan bàn tay và chân tôi đỏ tấy sau đó chai dần. Tuy thế, đáng ngại là loại muỗi rừng bay như ong vỡ tổ, bu kín người, nhất là dịp ngày ẩm ướt. Người như lên cơn sốt ban vì vết muỗi cắn chi chít, sau chúng bén hơi người bỏ đi, nhưng sự ngứa ngáy thì luôn thường trực.

Ngoài ra, những người hái na còn phải đối mặt với loài rắn xanh có màu giống y như lá na. Có những lúc tôi chuẩn bị hái được quả na to thì xuất hiện cái đầu con rắn ngóc lên, miệng phì nọc độc như tia chớp. Hoảng quá, tôi vội tụt xuống gốc cây, đành bỏ của để tránh xa loài rắn cực độc này.

“mo vang” lo thien cua nguoi chi lang tren day kai kinh hung vi hinh anh 2

Nhộn nhịp chợ na.

Núi đẻ ra vàng

Cách đây chừng ba, bốn chục năm, người miền xuôi đã dùng phương tiện xe khách, xe đạp lên Đồng Mỏ mua na chở về xuôi bán kiếm lời. Ngày ấy bán được tiền nên các hộ bán na rất phấn khởi ra sức chăm sóc, rẫy cỏ và trồng thêm na. Sướng nhất là kết thúc mùa vụ, tôi được bố mẹ tin cậy cho ngồi bên chiếc mẹt rồi đổ tiền bán na từ hũ tiết kiệm ra phân loại, kiểm đếm tiền xu, tiền giấy.

Nhờ bán na, một số gia đình xây được nhà kiên cố, trong đó có gia đình tôi dựng nhà gác lửng kiểu hai tầng từ cuối năm 1976, được coi là oai nhất phố núi Đồng Mỏ lúc bấy giờ.

Thế rồi, phong trào trồng na phát triển rộng khắp tại dãy núi Kai Kinh. Ở các địa phương phía nam của huyện Chi Lăng, một số người dân Hà Tây (cũ) đi xây dựng vùng kinh tế mới miền núi đã tìm cách lai ghép và tạo được loài na dai. Loại này thời gian chín lâu, mắt mịn, ăn sần sật, ngọt đậm và độ dai hơn na bở. Tuy thế, cả hai loại na đều cho hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, mát bổ nên được người tiêu dùng ưa thích.

Na Chi Lăng bỗng trở nên có thương hiệu, nổi tiếng khắp vùng. Khách trong nước, khách nước ngoài tìm đến tìm hiểu, đặt mua với số lượng lớn.

Ông Đoàn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng dẫn tôi đến khu vườn na trải dài tít tắp bên sườn núi Mặt Quỷ, sát ải Chi Lăng cho biết: Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định na là cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Năm nay huyện tập trung tổ chức tuyên truyền, quảng bá và tổ chức tốt Lễ hội na cấp tỉnh lần đầu tiên diễn ra ở Chi Lăng.

Hiện nay, Chi Lăng được coi là vùng sản xuất na tập trung lớn nhất cả nước với diện tích trên 1.500 ha, sản lượng hàng năm ước đạt 15 nghìn tấn, giá trị kinh tế trên 300 tỷ đồng/năm. “Năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Na Chi Lăng và được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập công nhận na Chi Lăng vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam”, ông Sơn nói.

Lão nông Vy Ngọc Lưu (63 tuổi, dân tộc Tày), chủ vườn na ở thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng chỉ lên phía rừng na trên 1.000 cây mọc rải từ chân núi lên đến đỉnh Kai Kinh chậm rãi tâm sự: “Tôi là người bản địa sống mấy đời ở mảnh đất lịch sử và đã trồng na từ 20 năm nay. Ngày trước, liên miên câu chuyện được mùa mất giá hoặc khi chính vụ thì tư thương ép, giá rớt thê thảm. Quả na nhanh chín, không để được lâu nên thường bán tháo khoán cho nhanh để còn kịp đi hái mẻ mới. Tuy thế, ba năm nay, UBND huyện cùng các ngành chức năng Chi Lăng quan tâm hướng dẫn và cùng thực hiện thí điểm mô hình trồng na theo tiêu chuẩn Viet GAP và được bao tiêu sản phẩm bán sang nước Úc nên vừa được giá lại không lo đầu ra sản phẩm”.

Theo ông Lưu, hiện tại nhiều người hàng xóm, láng giềng đã thực hiện trồng na như mô hình gia đình ông với diện tích lên tới 40,7 ha. Mỗi vụ, các hộ đều thu hoạch hàng trăm triệu đồng, cá biệt có người thu gần tỷ bạc.

Trong niềm vui dân có cuộc sống khá giả với cây na đặc sản, nhưng trên gương mặt của ông Chủ tịch huyện Đoàn Thanh Sơn vẫn chưa hết lo âu. Ông cho rằng, cần phải có những biện pháp bẫy bả sâu, phòng và diệt sâu hại cây, quả na.

Bên cạnh đó là vấn đề nâng cao thương hiệu, bao bì đóng gói quả na và mở rộng thị trường tiêu thụ. “Năm nay, huyện kỷ niệm 590 năm chiến thắng Chi Lăng (tháng 10/1427-2017); những thế hệ đi sau, nối tiếp truyền thống oai hùng bằng việc chiến thắng đói nghèo, tiến tới làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất lịch sử cha ông.

Ngoài na, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ triển khai các mô hình khác vốn là đặc sản địa phương như: măng ớt Đồng Mỏ, Hoa hồi Chi Lăng, cao khô Vạn Linh, rau bồ khai, rau ngót rừng...Tất cả để cho cuộc sống người dân miền núi Lạng Sơn giàu đẹp, góp phần giữ vững biên cương phên dậu  Tổ quốc!”, ông Sơn nói.

Theo Danviet.vn

Lượt xem:  1,137 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 3 1 2 3
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com