Ông Đỗ Văn Toàn cho hay, những quả bơ đã to như trong hình là chắc chắn sẽ đậu gần như 100%. Ảnh: Văn Long.
Ông Đỗ Văn Toang chia sẻ rằng: “Ngày xưa tôi đã từng ghép bơ, nhưng chỉ là ghép 1 loại bơ trên 1 cây mẹ thôi. Nhưng sau này tôi thấy nhiều loại bơ có năng suất và giá thành cao hơn nên tôi nảy ra ý định ghép nhiều giống bơ trên 1 thân cây mẹ. Vì vậy, năm 2008 tôi bắt đầu ghép nhiều giống bơ thử nghiệm trên 1 thân cây bơ mẹ trong vườn bơ của mình và đã khá thành công. Điều bất ngờ là cây bơ sau khi được ghép các giống bơ khác nhau thì cho năng suất cao và thu hoạch quanh năm”.
Ông Toàn giới thiệu cây bơ mẹ được ghép nhiều giống bơ khác nhau và cho năng suất 400kg/năm của mình. Ảnh: Văn Long.
“Để bơ của mình có năng suất tốt, tôi chọn những hạt giống bơ dại để gieo. Đặc điểm của giống bơ dại này là có bộ rễ khỏe, sinh trưởng tốt, sức sống mạnh mẽ. Khi cây lên ngang đầu, tôi sẽ chọn những cành đẹp để ghép những giống bơ khác nhau lên 1 cây gọi là cây mẹ. Vì vậy, trên 1 cây bơ mẹ (vốn là bơ dại) sẽ có nhiều giống bơ khác nhau. Làm cách này, cây bơ ghép cho thời gian thu hoạch sẽ kéo dài trong cả năm mà cây lại phát triển rất mạnh”, ông Toàn tiết lộ cách làm của mình.
Một cây bơ ông Toàn mới ghép được khoảng 2 năm tuổi. Ảnh: Văn Long.
Ông Toàn cho biết, để bơ có tỷ lệ sống cao khi ghép thì cây mẹ và cả mầm giống cần được cách ly, không bón phân trong vòng 1 tháng thì mới ghép. Nếu ghép khi mới bón phân thì chắc chắn mầm ghép sẽ héo và chết dần. Ông khuyên mọi người nên chọn những mầm bơ ở phía đầu cành, nhất là những cành đã phát triển tốt và trên mầm có những mắt nhỏ hơn. Chiều cao của một chồi vào khoảng 4 – 5cm là thích hợp nhất.
Những cành bơ Hass quả ra sai chi chít được ông Toàn ghép trên thân cây bơ dại. Ảnh: Văn Long.
Hiện tại trong khu vườn rộng 1,2ha của ông toàn có trên 70 cây bơ ghép, trên cây lại có nhiều giống bơ như bơ sáp vàng, bơ 034, Booth, bơ tứ quý, bơ Hass... Ông Toàn cho hay, bơ là loại cây sinh trưởng rất tốt, 1 năm chỉ cần phun một lần thuốc dưỡng quả khi cây mới trổ bông và 1 lượt phun thuốc chống bọ xít muỗi gây hại trên hoa và quả non của cây bơ. Bên cạnh đó, mỗi năm bỏ phân một lần phân NPK để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Khi cây bơ ghép bước vào năm thứ 2 -3 thì tiến hành tạo tán, tỉa những cành bị sâu bệnh, sát mặt đất và các cành mọc ra từ thân trong khoảng từ 0,8-1 mét tính từ mặt đất lên.
Một cành bơ ghép quả rất sai do ông Đỗ Văn Toàn ghép thành côngg. Ảnh: Văn Long.
Ông Toàn sắp tới sẽ mở rộng mô hình trồng bơ ghép của mình lên thành 1,6ha, đặc biệt ông sẽ thực hiện ghép nhiều chủng loại bơ hơn nữa trên 1 thân cây bơ mẹ để cho năng suất cao hơn, thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đều trong 1 năm để cho thu nhập ổn định.
Hiện nay, vườn của ông Toàn hầu như lúc nào cũng có bơ bán, bơ sáp vàng cho thu vào tháng 5, bơ Booth cho thu vào tháng 10, bơ Hass cho thu vào tháng 1...Cứ như vậy, trên 1 cây bơ ghép mà tháng này ông Toàn thu giống bơ này, tháng sau ông lại thu giống bơ khác.
Một quả bơ sáp Trung Lương "khủng" trên cành của 1 cây bơ ghép trong vườn của ông Toàn.
Những ngày thường thương lái vào tận vườn mua bơ với giá đổ đồng khoảng 35 ngàn/kg, nhưng những khi trái vụ hoặc tết Âm lịch có khi lên đến 90 ngàn/kg. Tính ra mỗi năm ông Toàn lãi từ vườn bơ ghép độc đáo của mình trên 100 triệu đồng mà tốn rất ít công chăm sóc. Thêm vào đó, bên dưới những cây bơ, ông Toàn trồng xen thêm cà phê nên tăng được thu nhập hàng năm.
Vườn bơ ghép cho trái quanh năm nên trong vườn nhà ông Toàn lúc nào cũng có đủ kích cỡ các loại quả bơ, non có, bánh tẻ có, già có... Ảnh: Văn Long.
Ngay trên 1 cành thì 2 quả bơ lại có kích thước khác nhau, cho thu vào 2 thời điểm khác nhau Ảnh: Văn Long.
Hai quả bơ được ông Toàn hái xuống từ 1 cây bơ ghép với trọng lượng 1,5kg. Ảnh: Văn Long.