|
Nông dân khối phố 5 (phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) thu hoạch cà chua vụ cuối vào tháng 4. Ảnh: N.T |
Bà con nơi đây vẫn nhớ rõ hành trình mang giống cây cà chua trồng trên cát trắng quê mình. Trước kia, người dân khối phố 5 thường than ngắn thở dài bởi đất cát trắng phau không thể trồng được hoa màu. Hơn 20 năm trở lại đây, họ như tìm được nguồn sống khi thử nghiệm thành công quy trình trồng giống cà chua. Ban đầu chỉ có vài hộ dân theo lớp học trồng loại cây này nhưng sau một vài vụ mùa mang lại năng suất cao, gần 300 hộ dân rủ nhau trồng cà chua cho đến bây giờ. Bà Nguyễn Thị Hoa (65 tuổi, trú tại đội 2) nhớ lại: “Hồi đó, tôi và mấy người trong xóm trồng thử mấy luống giống cà dĩa. Trồng thì trồng nhưng không có mấy ai đặt hy vọng hái quả ở vùng cát trắng này, nào ngờ cây cà chua hợp đất, phát triển mạnh và cho quả to quá chừng!”. Để trồng cà chua cho năng suất cao, bà con nông dân nơi đây phân luống cát trắng rất bài bản, mỗi luống được bọc màng ni lông dưới gốc nhằm giữ độ ẩm. Kỳ công hơn cả là giàn cọc tre xếp theo luống cho cà chua phát triển, không bị ngả hoặc gãy cành. Được biết, từ ngày xuống giống đến ngày thu hoạch, người trồng phải áp dụng quy trình bón phân chính xác, nếu không cây sẽ cho lá phát triển nhiều hơn là quả. Đặc biệt, thời kỳ cây cà chua trổ hoa, mỗi tuần đều phải tỉa lá và thực hiện thao tác lắc nhẹ giàn cà chua thúc đẩy sự thụ phấn.
Hiện nay, hầu hết nông dân khối phố 5 trồng cà chua dĩa và cà chua bom. Đây là 2 loại cà chua bán chạy nhất ở các chợ từ Quảng Nam ra TP.Đà Nẵng. Từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau, nông dân tự nhận định nhu cầu thị trường để xuống giống cây, một vụ thường kéo dài 2 - 3 tháng. Vào vụ chính, nhiều thương lái tập trung tại các vườn cà chua thu mua với giá 10 - 15 nghìn đồng/kg. Ông Huỳnh Tấn Hải (trú tại đội 7) có hơn 10 sào cà chua, mỗi ngày ông cùng vợ hái bán sỉ đến 300kg, chưa kể số lượng cà chua nhiều khách ghé vườn mua lẻ. Chị Nguyễn Thị Thảo (thương lái ở chợ đầu mối TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Nhiều năm nay tôi thu mua cà chua tại đây. Loại này thơm ngon và nhiều bột rất dễ ăn, việc bán cũng thuận lợi hơn so với các loại cà chua nhập từ những nơi khác!”. Nói về giống cây cà chua trồng trên cát trắng này, ông Lê Đình Bê - Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Nam Trung cho biết: “Từ ngày người nông dân khối phố 5 biết đến kỹ thuật thâm canh cây cà chua, đời sống của họ ngày càng phát triển. Sắp tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn và đưa về thêm nhiều kiến thức về cách trồng cà chua ghép phổ biến rộng rãi cho bà con”.