Kiểm tra đàn ong
Vũ Quang là một huyện miền núi biên giới, có diện tích 62.284ha, trong đó hơn 54.000ha có tiềm năng phát triển kinh tế rừng và vườn đồi. Tạo hóa đã ưu ái dành tặng vùng đất nơi đây một hệ sinh thái đa đạng, quanh năm cây cối tốt tươi. Nét độc đáo đó khiến cho nghề nuôi ong lấy mật nơi đây phát triển thuận lợi và thành công hơn so với các địa phương khác. Nhờ đó, nghề nuôi ong góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, trở thành sản phẩm hàng hoá chủ lực của huyện.
Nghề nuôi ong xuất hiện ở Vũ Quang từ năm 2004, lúc đầu chỉ có ít hộ nuôi để lấy mật dùng trong gia đình, đến nay toàn huyện đã có hơn 4.000 đàn ong với gần 1.000 hộ nuôi.
Mật ong ở đây nổi tiếng thơm ngon, những năm qua đã có chỗ đứng khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Cuối năm 2013, thương hiệu Mật ong Vũ Quang đã được ngành chức năng kiểm nghiệm và cấp đăng ký nhãn mác.
Tiêu biểu có các xã nuôi ong nhiều như Ân Phú, Đức Lĩnh, Đức Giang, Đức Bồng, Sơn Thọ và thị trấn Vũ Quang. Ở các địa phương này nghề nuôi ong rất phát triển, đã thành lập được các hợp tác xã nuôi ong. Tuy nhiên, trong điều kiện đàn ong đang được nhân đàn với tốc độ nhanh, kéo theo lượng mật dồi dào thì điều trăn trở của lãnh đạo địa phương cũng như bản thân người nuôi ong hiện nay là quảng bá thương hiệu cho mật ong Vũ Quang và tìm kiếm thị trường ổn định.
Xác định mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, cần củng cố thương hiệu Mật ong Vũ Quang ngày càng vững mạnh, ngày 24/7/2017 các HTX của 6 xã trên đã liên kết lại thành lập “Liên hiệp HTX Ong và dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang”.
Từ đó, người nuôi trong Liên hiệp sẽ hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên.
Ông Dương Thế Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Liên hiệp HTX Ong và dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang cho biết: “Liên hiệp có 6 HTX của 6 xã tham gia, với 147 hộ và có 2.400 đàn ong, hộ nhiều có tới hơn 50 đàn. Để Liên hiệp hoạt động hiệu quả và xâu nối được đến tất cả các thành viên, chúng tôi đã thành lập Hội đồng quản trị gồm 12 thành viên, tiến hành họp định kỳ, bàn giải pháp về triển khai với các thành viên khác trong HTX của mình. Liên hiệp sẽ thu mua mật ong của các HTX, kiểm tra chất lượng, đóng gói, dán nhãn sản phẩm rồi xuất ra thị trường. Năm nay là năm hoạt động đầu tiên, chúng tôi phấn đấu xuất ra thị trường 12 tấn mật ong”.
Còn theo ông Nguyễn Viết Hồng, xã Sơn Thọ, một trong những chủ hộ có nhiều năm nuôi ong chia sẻ kinh nghiệm: “Nuôi ong không tốn công chăm sóc, vốn đầu tư ít chủ yếu là tận dụng điều kiện tự nhiên của thiên nhiên ưu đãi, chỉ cần có phương pháp kỹ thuật là có thể thu về tiền triệu. Ong khi nuôi được chia làm nhiều tổ, mỗi tổ có 5 - 10 cầu ong, thông thường duy trì 7 cầu. Nhà tôi nuôi 54 đàn ong, mỗi đàn dao động từ 2.000 - 5.000 con. Năm ngoái đạt gần 300kg mật ong, thu về gần 60 triệu đồng”. Đối với người dân miền núi, đây là nguồn thu lớn của gia đình thu được từ sản phẩm trong vườn.
Những năm trước, mật ong Vũ Quang thường có tỷ lệ nước cao (23 - 28%), mật hay bị ga, chua, bồi. Nhưng đến năm 2015, nhờ được đầu tư máy hỗ trợ hạ thị phần, tỷ lệ nước giảm chỉ còn 19%, đạt đúng chuẩn. Cùng với ứng dụng công nghệ, chuyển giao kỹ thuật thì những lớp tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm của các trung tâm khoa học, hội, nhóm đang dần giúp mật ong Vũ Quang xây dựng thương hiệu trên thị trường.
Với hình thức nuôi tự nhiên, thu hoạch và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm mật ong Vũ Quang đã có thương hiệu và ngày càng phát triển mạnh trên thị trường. Hy vọng các ban ngành chức năng, đoàn thể cần giúp đỡ, tạo điều kiện bằng những định hướng phát triển phù hợp, hệ thống chính sách khuyến khích thoả đáng để mật ong Vũ Quang ngày càng phát triển hơn nữa, giúp người dân yên tâm tăng đàn sản xuất, xứng đáng với tiềm năng lợi thế của địa phương. |