|
Anh Lê Tùng Vương với vườn tiêu gầy dựng được. Ảnh: THANH THẮNG |
1. Anh Lê Tùng Vương cho biết, năm 2012 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư xây dựng Trường Đại học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), anh về quê xin việc làm tại một công ty xây dựng. Tuy nhiên, công việc không mấy ổn định, mức lương không đủ trang trải nên xin nghỉ việc. Năm 2013, anh công tác tại UBND xã Tam Thành với vai trò là cán bộ địa chính xã.
Đến năm 2015, khi công việc đã ổn định, anh Vương đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo đất, đúc trụ gạch, mua tiêu giống về gầy dựng lại vườn tiêu của gia đình. “Nhà tôi đã trồng tiêu hơn 30 năm nay, nhưng chỉ làm theo phương thức truyền thống. Mọi kỹ thuật đều thô sơ, phó mặc cho thời tiết nên cây tiêu không mấy hiệu quả. Cây tiêu nếu trồng tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao” - anh Vương nói.
|
Vườn tiêu cho lứa trái đầu tiên. Ảnh: THANH THẮNG |
Ban đầu, anh tận dụng hơn 4 sào đất vườn của gia đình để trồng tiêu. Anh xây trụ gạch cao hơn 4m, đường kính hơn 40cm và đầu tư lắp toàn bộ hệ thống tưới trên cao toàn vườn tiêu. Để có giống tiêu phù hợp với đất vườn, anh chọn mua giống tiêu Vĩnh Linh (Quảng Trị) về trồng. “Năm đầu tiên, tôi gặp khó khăn do một số bệnh xuất hiện trên tiêu. Tuy nhiên, qua nhiều năm vừa trồng vừa nghiên cứu, đến nay tôi đã nắm cơ bản về kỹ thuật trồng và phát triển cây tiêu” - anh Vương chia sẻ.
Sau 3 năm, hiện vườn tiêu 200 choái của anh Vương đã được đầu tư bài bản và bắt đầu cho lứa trái đầu tiên. Thời gian tới anh tiếp tục đầu tư, mở rộng khu vườn tiêu, nâng cao hiệu quả kinh tế.
2. Với đam mê trồng rau sạch, cuối năm 2017, anh Lê Tùng Vương tiếp tục gom góp vốn và cùng với một số người khác ở địa phương đăng ký thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất, cung cấp rau sạch ra thị trường. Anh cải tạo 5.000m2 đất của gia đình lấy đất trồng rau. Sau đó cùng một số người khác đầu tư hơn 900 triệu đồng xây dựng 1 trại rau trong nhà kính với diện tích 1.000m2, 1 trại trồng rau trong nhà lưới 600m2. Đặc biệt, trong hệ thống nhà kính, anh Vương còn đầu tư hệ thống cắt nắng tự động, hệ thống làm mát, phun sương... để cây rau phát triển đạt chất lượng tốt nhất.
|
Anh Vương sắp xếp lại một số cây giống chuẩn bị trồng trong nhà kính. Ảnh: THANH THẮNG |
“Khó khăn nhất khi trồng rau sạch theo tiêu chuẩn rau hữu cơ là vấn đề về đất đai. Để có được đất an toàn, tôi đã chuẩn bị trước đó 24 tháng. Có nghĩa là tại vị trí sản xuất trong vòng 24 tháng không có sử dụng thuốc hóa học...” - anh Vương nói. Theo anh Vương, để cho sâu bọ không vào vườn rau phá hoại, anh đã xây dựng hệ thống cửa đôi an toàn ở cổng vào nhà kính, nhà lưới; đồng thời chú ý toàn bộ hệ thống điều hòa nhiệt độ trong nhà kính. Nếu đạt hiệu quả, trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục mở rộng.
Anh Vương tâm sự: “Ưu điểm của trồng rau trong nhà kính có bắt các hệ thống tắt nắng tự động, làm mát... sẽ giúp cây phát triển hơn. Đối với hệ thống tắt nắng tự động, khi buổi trưa trời quá nắng hệ thống sẽ tự cân đối ánh sáng chiếu xuống vườn rau, giúp rau không bị nắng quá dẫn đến khô héo. Hoặc hệ thống làm lạnh sẽ giúp điều hòa nhiệt độ phù hợp với quá trình phát triển của cây rau”. Hiện trang trại rau hữu cơ của anh Vương trồng hơn 14 loại như: cải bó xôi, rau muống, mồng tơi, xà lách... Mỗi tháng cung ứng cho thị trường hơn 3 tấn rau sạch.
|
Trại rau áp dụng nhiều phương pháp chăm sóc tiên tiến. Ảnh: THANH THẮNG |
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, mô hình trồng rau sạch trong nhà kính có hệ thống tắt nắng, làm mát, điều tiết nhiệt độ của anh Lê Tùng Vương là mô hình đầu tiên tại địa phương. Mô hình này hiện đang có nhiều triển vọng để phát triển các loại rau hữu cơ, tránh được một số rủi ro của thời tiết thất thường.