hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Hồi sinh những biền dâu (09/08/2018)
Công ty TNHH MTV Dệt Thần Kỳ (Chi nhánh Công ty Kraig Biocraft Laboratories – KBL, Mỹ) vừa có buổi làm việc, trình bày dự án trồng cây dâu trên vùng đất Gò Nổi trước UBND thị xã Điện Bàn; tiếp tục mở ra những kỳ vọng về việc hồi sinh nghề ươm tơ dệt lụa vốn một thời hưng thịnh trên vùng đất này.

Mới trồng được hơn 3 tháng nhưng cây dâu ở Điện Bàn đã lên xanh tốt. Ảnh: V.LỘC

Mới trồng được hơn 3 tháng nhưng cây dâu ở Điện Bàn đã lên xanh tốt. Ảnh: V.LỘC

Định hình vùng nguyên liệu

Theo giới thiệu, khi triển khai, dự án sẽ có quy mô 100ha nằm ở 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang (Gò Nổi). Theo ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, dự án được thực hiện sẽ biến vùng Gò Nổi trở thành một trong những địa phương có vùng trồng dâu lớn nhất của tỉnh, nhằm hiện thực hóa ước mơ khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa vốn từng hiện diện nơi đây. “Thị xã Điện Bàn đã xây dựng đề án quy hoạch vùng nguyên liệu dâu ven sông Thu Bồn gồm 3 xã Gò Nổi, xã Điện Hồng, Điện Thọ và Điện Phước, diện tích khoảng 500ha. Hiện tại, đã triển khai trồng thí điểm 3ha tại thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang” - ông Chơi cho biết.

Trước đó, từ tháng 5.2018, mười hai hộ nông dân thôn Thạnh Mỹ và Bến Đền Tây (xã Điện Quang) đã được HTX  Nông nghiệp Điện Quang chọn thực hiện thí điểm dự án phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm (mỗi hộ 5 sào). Dự án do HTX  Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Hội An thực hiện. Theo ông Cao Văn Khánh (thôn Bến Đền Tây), đây là dự án được người dân địa phương mong chờ vì nó không chỉ mở ra hướng đi mới, tạo sinh kế và thu nhập cho người dân mà còn biến ước mơ của ông và những hộ dân trên vùng đất Gò Nổi thành hiện thực. “Hồi xưa cả làng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Riêng nhà tôi trồng hơn 2ha, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà nghề mai một, nên khi nghe có dự án triển khai tại xã bà con mừng lắm. Thật sự, trong thâm tâm ai cũng tiếc, vì nghề đã gắn với ông bà mình hàng trăm năm rồi, bây giờ ước mơ về nghề truyền thống vùng đất Gò Nổi có cơ hội hồi sinh, sao không vui được” - ông Khánh chia sẻ.

Ông Khánh cho rằng, so với các loại hoa màu như ớt, bắp, đậu…, trồng dâu hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên, cái khó của việc trồng dâu là vùng nguyên liệu phải nằm riêng lẻ, không thể lẫn lộn với những loại cây khác vì khi người dân bơm thuốc sẽ ảnh hưởng đến cây dâu, tằm ăn sẽ chết. Còn theo bà Trần Thị Bảy (thôn Bến Đền Tây), dù chưa biết hiệu quả ra sao nhưng việc địa phương khôi phục cây dâu vẫn mang đến niềm vui cho bà và những hộ dân trong làng. Tất cả 12 hộ dân trước đây đều trong tổ trồng dâu nên ai cũng quyết tâm làm với mong muốn nghề của ông cha mình quay trở lại như thời hoàng kim xưa. “Mừng chứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là đầu ra sản phẩm, nếu giá cả ổn định thì bà con ai cũng sẽ làm. Còn bây giờ thì chỉ lo tập trung sửa soạn cây dâu tươi tốt để vô tằm thôi” - bà Bảy bộc bạch.

Triển vọng đầu ra

Thời vàng son của dâu tằm Gò Nổi diễn ra cách đây đã gần 30 năm, hầu như nhà nào cũng trồng dâu nuôi tằm, ít thì 1 - 2ha, nhà trồng nhiều có khi lên đến hàng trăm héc ta. Chỉ tính giai đoạn từ năm 1987 - 1992,  mỗi năm xã Điện Quang xuất ra thị trường gần 20 tấn tơ, trong làng lúc nào cũng rộn ràng tiếng thoi đưa dệt lụa. Tuy nhiên, giai đoạn 1993 đến 1996 diện tích trồng dâu thu hẹp dần. Ngày nay, cả vùng Gò Nổi chỉ một hộ còn trồng dâu nuôi tằm nhưng không phải ươm tơ dệt lụa mà chủ yếu lấy tằm… bán quán nhậu.

Ông Phan Tín – Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang cho biết, để vực dậy làng nghề, HTX đã phối hợp với UBND xã tiến hành giao đất cho nông dân trồng dâu nuôi tằm. Trước mắt, sẽ làm thí điểm 3ha, dự kiến vụ đông xuân tới sẽ trồng thêm 20ha nữa, hướng đến phục hồi được 150ha trong hai năm tới. Dù mới trồng hơn 3 tháng nhưng hầu hết cây dâu đã lên xanh tốt, hứa hẹn những mùa thu hoạch năng suất cao. “Mỗi hộ tham gia dự án sẽ được HTX đóng một giếng bơm và gắn đồng hồ điện để tiện việc lấy nước trồng dâu. Ngoài ra, HTX cũng hỗ trợ mỗi sào dâu 20kg phân NPK. Công ty Dâu tằm tơ trung ương hỗ trợ miễn phí giống dâu GQ2; khi có kén công ty tiếp tục hỗ trợ nong nia, đồng thời thu mua bao tiêu sản phẩm với giá tối thiểu 145 nghìn đồng/kg kén, trung bình 5 sào sẽ cho 30kg kén/lứa”. Theo ông Phan Tín, với cách làm này nông dân chỉ có công chăm sóc và nuôi tằm, riêng trứng giống tằm do HTX cung cấp khi có kén sẽ trừ lại giá hoặc có cơ chế hỗ trợ. Phấn đấu từ đây đến cuối năm sẽ có 1 - 2 lứa tằm đầu tiên (một lứa tằm 22 - 25 ngày), khi thu hoạch ổn định mỗi năm người dân sẽ được khoảng 7 - 8 lứa kén.

So sánh cho thấy, hiệu quả cây dâu mang lại cao gấp 5 – 10 lần các loại hoa màu và cây lúa. Đặc biệt, gắn với bảo vệ môi trường vì không dùng thuốc trừ sâu. Chưa kể, cây dâu có tác dụng lớn trong bảo vệ đất đai, mỗi mùa lũ lụt cây dâu nằm xuống ôm đất và tích lũy phù sa, ngăn sạt lở. Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tơ lụa Hội An khẳng định, ngoài sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương thì giá cả, thị trường đầu ra sản phẩm đảm bảo sẽ là cơ sở tốt cho nghề trồng dâu nuôi tằm Điện Bàn nói riêng cũng như Quảng Nam phục hưng. Thời gian qua, bên cạnh tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm về nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), doanh nghiệp cũng đã phối hợp với tỉnh khảo sát vùng nguyên liệu tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn. “Trước mắt, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền, người dân xã Điện Quang làm thí điểm ở Gò Nổi 5ha. Sau khi đánh giá kết quả sẽ tiếp tục mở rộng thêm ra nhiều vùng. Thuận lợi hiện nay là ngoài việc có nhiều giống mới cho năng suất cao cũng như công thức nuôi tằm hiện đại, thì chúng tôi cũng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ trung ương chuyển giao công nghệ về cách nuôi tằm, trồng dâu cho bà con. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng sẽ chịu trách nhiệm đầu ra, do đó tôi tin tưởng triển vọng phục hồi nghề này là rất lớn” - ông Vũ nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  752 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 74 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com