hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Khôi phục chè xanh An Bằng (10/09/2018)
Ứng dụng kỹ thuật cải thiện cây chè xanh đầu dòng, khôi phục và phát triển vùng nguyên liệu chè xanh An Bằng... là mục tiêu mà huyện Đại Lộc hướng tới.
Đại Lộc hướng tới xây dựng chuỗi giá trị chè xanh An Bằng. Ảnh: B.L
Đại Lộc hướng tới xây dựng chuỗi giá trị chè xanh An Bằng. Ảnh: B.L

Phát triển vùng nguyên liệu

Vùng chè xanh An Bằng (xã Đại Thạnh, Đại Lộc) từng nức tiếng xa gần. Cây chè nơi đây phát triển trên đất feralit đỏ vàng, là giống chè sẻ, có hình dạng lá tròn, giòn, màu hơi vàng chứ không to, xanh như những giống chè nguồn khác. Khi nấu nước uống có vị thơm, đậm đà, chát nhưng không đắng.

Theo các lão nông tri điền vùng Đại Thạnh, làng nghề trồng chè truyền thống ở vùng ngót nghét có tuổi 200 năm. Thời cực thịnh, cây chè hiện hữu trên khắp vườn đồi, nương rẫy và cây chè chỉ thơm ngon khi trồng trên đất An Bằng, ngoài ra phân bố rải rác ở thôn Mỹ Lễ và Tây Lễ. Người vùng Đại Thạnh vẫn truyền nhau kinh nghiệm dân gian rằng, uống chè xanh An Bằng thường xuyên, đặc biệt là uống nước chè hòa thêm ít đường tán sẽ có tác dụng chữa bệnh vàng da, chướng bụng, bởi vùng này xưa kia là chốn rừng thiêng nước độc. Về tính năng trị bệnh, thực hư cần khoa học làm rõ, nhưng chuyện xưa kia người dân làm giàu từ cây chè An Bằng là có thật.

Cụ Nguyễn Giác (85 tuổi, thôn Mỹ Lễ) - người đã gắn bó với cây chè từ tấm bé vẫn không nhớ nổi cây chè An Bằng có từ khi nào. Thời cha, ông nội của cụ Giác thì cây chè đã hiện hữu ở làng.  Còn ông Lê Văn Hạnh (60 tuổi, thôn Mỹ Lễ) cho hay, nguồn gốc của cây chè xuất phát từ An Bằng, bên cạnh đó có thôn Mỹ Lễ, Tây Lễ nhưng chủ yếu trồng xen, phân tán. Giống chè này trồng chủ yếu ở đất đồi, chứ đất phù sa hay ngập lụt đều không hợp. Cũng theo ông Hạnh, cây chè từng phát triển ở vùng Đại Thạnh lên tới 40ha, nhưng sau đó trải qua thời kỳ suy thoái về giống do thiếu sự đầu tư, thâm canh hợp lý và giá trị từ cây chè đã bị cây keo lấn át nên diện tích suy giảm mạnh, chỉ còn vài héc ta, phát triển manh mún trong dân. “Khi có chủ trương khôi phục vùng chè, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học, chúng tôi rất mừng. Lâu nay cây chè chủ yếu nhân giống bằng hạt, nay nhân giống bằng giâm hom, bà con lại được tiếp cận được kỹ thuật nhân giống mới, hy vọng giúp tăng năng suất, sản lượng. Nếu dự án thành công, người dân Đại Thạnh rất phấn khởi bám trụ với vườn đồi, với cây chè, giúp thoát nghèo bền vững” - ông Hạnh nói.

Hướng tới chế biến, đóng gói

Chè An Bằng trồng trong dân ở mật độ thấp, chưa thâm canh nên năng suất suy giảm nghiêm trọng. Tổng năng suất chè lá và chè búp khoảng 4 - 5 tấn/ha, trong đó năng suất chè búp chiếm khoảng 1/3. Mỗi năm thu nhập từ 1ha chè vào khoảng 40 - 50 triệu đồng, so với cây keo, cây chè vẫn có giá trị cao hơn nhiều. Song, diện tích chè còn lại khá manh mún, chỉ đủ tiêu thụ nhỏ lẻ tại địa phương (bán tươi, phơi khô), chưa thể trở thành sản phẩm hàng hóa. Việc trồng, thu hái, bảo quản chè hiện nay chủ yếu theo kiểu truyền thống dân gian, thu hái bằng liềm, bán tươi hoặc phơi khô, giã làm chè khô, bán cho thương lái. Năng suất vùng chè cũng suy giảm do thiếu đầu tư, thâm canh. Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho hay, được sự hỗ trợ từ dự án, toàn xã hiện có 42 hộ tham gia, nếu thành công giúp bà con Đại Thạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bởi so với cây keo thì cây chè có giá trị cao hơn nhiều.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, qua 2 năm triển khai, dự án đã nhân giống chè thành công bằng kỹ thuật giâm hom (trước nay gieo hạt); tuyển chọn 1.000 cây mẹ đầu dòng phục vụ lấy giống, xây dựng vườn ươm nhà lưới, cấp giống cho dân trồng mới 5ha chè, khôi phục 10ha trong vườn. Dự án xây dựng, chuyển giao quy trình nhân giống, thâm canh cây trồng; hỗ trợ phân vi sinh để bón cho cây chè, nâng cao năng suất, sản lượng, đưa cây chè xanh An Bằng trở thành sản phẩm chủ lực của vùng. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ máy móc, chuyển giao công nghệ sơ chế, sao khô chè, đóng gói khép kín, gắn bao bì, nhãn mác, tạo chuỗi giá trị sản phẩm. “Việc đưa công nghệ, máy móc tạo các dòng sản phẩm chè tươi, chè khô sẽ giúp đa dạng hóa và nâng giá trị sản phẩm, bảo quản lâu hơn, tốt hơn. HTX Nông nghiệp Đại Thạnh sẽ tổ chức sản xuất tới khâu bao tiêu sản phẩm, kết nối thị trường; đẩy mạnh công tác quảng bá, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đầu ra cho nông dân. Đây là hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng tới xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực. Mục tiêu hướng tới là tạo giá trị tương ứng 1ha chè phải từ 300 - 400 triệu đồng và khi thấy có hiệu quả thì người dân sẽ tham gia để giảm nghèo” - ông Mẫn nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  853 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 15 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com