hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Khởi nghiệp từ mía (24/10/2018)
Gặp nhau khi còn học đại học tại Đà Nẵng, chị Nguyễn Thế Thái (xã Đại An, Đại Lộc) và anh Bùi Hữu Hải (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) nên duyên vợ chồng sau khi ra trường, cả hai quyết tâm bám trụ lập nghiệp tại thành phố.
Nhiều bạn trẻ đã được 2 vợ chồng nhận vào làm việc với thu nhập ổn định. Ảnh: LINH PHƯƠNG
Nhiều bạn trẻ được vợ chồng anh Hải - chị Thái nhận vào làm việc với thu nhập ổn định. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Chọn hướng mưu sinh

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê xã Đại An - nơi mà sự lam lũ, nghèo khó còn đeo bám, suốt 4 năm học đại học, Nguyễn Thế Thái luôn trong hoàn cảnh thiếu thốn. Nhìn thấy những khó khăn của gia đình, chị càng thêm quyết tâm vươn lên để thoát khổ, thoát nghèo.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, chị xin vào làm nhân viên lễ tân tại một resort ở Đà Nẵng với thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Anh Hải sau khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin về làm nhân viên bảo trì tại một công ty cung cấp mạng. Thu nhập của gia đình hơn chục triệu đồng nhưng với chi phí sinh hoạt, thuê trọ ở thành phố cũng chẳng còn dư dả bao nhiêu.

Năm 2015, chị Thái sinh con đầu lòng, khó khăn lại thêm chồng chất. Vì thu nhập thấp hơn vợ, anh Hải quyết định nghỉ làm ở nhà vừa chăm con, vừa mở một xe nước mía trước cửa phòng trọ. Được gần nửa năm, chị Thái bị bệnh nên xin nghỉ ở công ty. Mất nguồn thu nhập ổn định, hai vợ chồng bàn bạc nhau buôn bán thêm để lo cho con và kiếm tiền sinh hoạt hàng tháng.

Chân dung ông chủ trẻ Bùi Hữu Hải
Chân dung ông chủ trẻ Bùi Hữu Hải. Ảnh: LINH PHƯƠNG

Những ngày đầu khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi, anh chị bán bánh mì, bún mắm buổi sớm. Từ gần trưa đến tối muộn, cả gia đình đẩy xe nước mía ra chân cầu Trần Thị Lý để bán cho sinh viên và những người đi tập thể dục.

Mùa hè nắng nóng 30 - 40 độ, chỉ với vỏn vẹn tấm bạt che chưa đầy 2m, hai vợ chồng vẫn dọn quán mong kiếm thêm ít đồng, bình quân mỗi ngày lời lãi cũng gần 100 nghìn đồng xem như đủ sống qua ngày, những ngày mưa gió không có khách thì xem như thiếu ăn. Đặc biệt, những khi bị đội quy tắc đô thị xử phạt hay thu giữ bàn ghế, cả tháng đành nghỉ bán. Buôn bán nhỏ lẻ, thiếu tập trung và định hướng, gia đình lại rơi vào cảnh túng thiếu.

Đầu năm 2016, vợ chồng anh quyết định chuyển ra thuê trọ mặt tiền đường Dương Khuê (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Anh Hải lóe lên ý tưởng: "Tại sao không mua mía tận đại lý về bán và bỏ cho các xe nước mía khác với chi phí rẻ hơn?". Biến ý tưởng thành hiện thực, anh tự thân tìm kiếm các nguồn cung cấp mía.

Vượt lên thực tại

Đã có nguồn cung cấp, nhưng khó khăn nhất chính là vốn. Có chút tiền tích cóp, vay mượn thêm của người thân, bạn bè, anh chị bắt đầu nhập mía về tự róc vỏ. Mỗi bó mía sau khi gia công, bán ra sẽ thu lãi được 35 nghìn đồng. Ban đầu mỗi ngày vợ chồng nhập về 10 bó mía nhưng do chưa có nguồn ra nhiều, không kịp tiêu thụ, mía để 4 - 5 ngày bị hư hỏng. Chưa kể, do không am hiểu, giai đoạn đầu nhập phải mía xấu, ít ngọt lại bị sâu ăn nhiều nên nhiều khách đòi trả hàng.

Thua lỗ nhưng không bỏ cuộc, hai vợ chồng vay mượn tiền mua thêm 4 xe nước mía làm đầu ra ổn định. Anh tìm hiểu những nguồn cung cấp mía từ Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng), Quảng Nam, Quảng Ngãi..., kiểm tra chất lượng cây mía kỹ càng hơn. Đối với mía sau khi gia công, vợ chồng anh chọn lại những cây đẹp, tròn, không sâu mọt bó lại thành bó; những cây xấu đưa vào làm nguyên liệu cho 4 xe nước mía của mình. Bó mía đẹp, chất lượng, giá cả lại rẻ hơn so với các chỗ bỏ sỉ khác, dần dần vợ chồng anh chiếm được thị trường, tăng số lượng bán ra 5 - 10 bó, đến nay gần trăm bó mía mỗi ngày.

Hiện tại, anh thuê 3 - 4 lao động chính để tập trung róc mía kịp cung cấp cho khách, thu nhập 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn nhận gần chục sinh viên làm thêm ăn theo sản lượng, trung bình mỗi buổi được gần 100 nghìn đồng. Với các xe nước mía, mỗi xe vợ chồng anh thuê 2 sinh viên đứng bán. Lợi nhuận thu về sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công được khoảng 20 triệu đồng, những tháng cao điểm lên đến 40 - 50 triệu đồng.

Chính tuổi thơ lam lũ đã nhắn nhủ chị Thái phải có trách nhiệm với cuộc đời và quê hương. Chị chia sẻ: "Các em làm thêm ở đây đa số là dân Quảng Nam ở trọ đi học. Xưa mình cũng vất vả nhiều nên thấu hiểu, hỗ trợ các em chỗ ăn ở, công việc để có thu nhập, trang trải học phí". Tại cơ sở của mình, hai vợ chồng đang cho 4 - 5 sinh viên tá túc, vừa học vừa làm, thuê cả người nấu ăn để đảm bảo sức khỏe cho các sinh viên.

Từ cảnh chạy ăn từng bữa, chỉ trong vòng 2 năm, vợ chồng anh Hải đã trả hết nợ, xây được một ngôi nhà khang trang. "Ai bắt đầu khởi nghiệp cũng sẽ gặp muôn vàn khó khăn; rất nhiều việc phải tự tay làm dù mình không am hiểu và cũng không có sự giúp đỡ. Do đó, phải kiên định và tập trung cho công việc mà mình theo đuổi. Chắc chắn sẽ có những lúc cảm thấy bế tắc, nhưng đừng nản mà phải suy nghĩ tìm cách vượt qua. Mình còn trẻ, còn sức khỏe và nhiệt huyết, cứ bắt đầu từ những việc bình thường nhưng với thái độ tích cực, kiên trì nhất thì nhất định sẽ thành công" - chị Thái chia sẻ thêm.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  640 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 79 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com