Cách làm này tuy giảm công lao động, song tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn hại đến chính sức khỏe người sử dụng, ảnh hưởng đến khu dân cư, gây ngộ độc cho gia súc, gia cầm và gây ô nhiễm môi trường.
Cỏ trong ruộng “ăn” các loại thuốc diệt cỏ bị cháy khô mà bò vẫn nhởn nhơ ăn cỏ dễ dẫn đến ngộ độc
Kết thúc mùa vụ, đồng không mông quạnh, những cánh đồng lúa nằm chỏng chơ gốc rạ. Nền đất ẩm là điều kiện thuận lợi để cỏ dại phát sinh đầy mặt ruộng, phủ kín 4 bên bờ ruộng. Trước kia, trước khi bước vào vụ SX, nông dân thường cày ải, lật đất, ngâm ủ để lớp cỏ trên mặt ruộng chết đi, đồng thời dùng cái “phản” chặt dọn cỏ 4 bên bờ để khi cây lúa phát triển không bị cỏ “chen lấn”. Tuy nhiên, làm theo cách ấy thì quá tốn công lao động, nên đã sử dụng sử dụng thuốc có hoạt chất Paraquat và 2.4D để diệt cỏ dại.
Nông dân Đinh Văn Chung có thâm niên làm ruộng ở phường Bình Định (TX An Nhơn) bộc bạch: “Để dọn cỏ bờ cho đám ruộng 4 sào (500m2/sào) phải mất 2 công, mỗi công lao động làm ruộng hiện nay là 200.000đ/ngày, vị chi là mất 400.000đ. Trong khi đó, 1 chai thuốc diệt cỏ 1 lít mua chỉ 50.000đ/chai, 1 chai có thể diệt cỏ cho 6 – 7 sào ruộng, đỡ chi phí rất nhiều. Những loại thuốc diệt cỏ này là chất lưu dẫn, mặt ruộng phải khô, bơm thuốc vào cỏ mới chết, nên nông dân sử dụng cho vụ hè thu nhiều hơn là vụ đông xuân”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, nhóm thuốc trừ cỏ nói trên có tính độc hại cao, và chỉ đăng ký sử dụng chủ yếu để trừ cỏ trên đất trồng cây công nghiệp, đất trồng cây lâu năm và đất không trồng trọt. Thuốc trừ cỏ 2.4D là loại thuốc hậu nẩy mầm chứ không dùng phun cho đồng ruộng nên nông dân thường sử dụng thuốc có họat chất Paraquat. Đây là loại hóa chất cực độc, hiện trên thị trường thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Paraquat có các nhãn hiệu như: Glamoxone, Cyclone, Surefire, Prelude... “Paraquat là loại thuốc đã cấm nhập khẩu vào Việt Nam hai năm rồi, nhưng vẫn còn cho sử dụng đến ngày 8/2/2019 là cấm triệt để”, ông Phát nói.
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy sau khi sử dụng các loại thuốc dệt cỏ, cỏ dại trên những cánh đồng đều bị chết cháy. Thậm chí đất trong ruộng cũng chuyển màu vì bị ô nhiễm. Đáng lo ngại nhất là nhiều đám ruộng nằm gần khu dân cư, nằm gần ao hồ nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm; thuốc diệt cỏ sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi. Nguy hiểm hơn là sau khi phun, nhiều người vứt ngay vỏ bao bì thuốc ở đầu bờ ruộng, mương nước. Trong khi đó, loại thuốc có tính độc cao này chỉ được hấp thu qua cây trồng một tỉ lệ nhỏ, còn lại chủ yếu thấm vào đất, hòa vào nước.
“Sau khi phun thuốc diệt cỏ trên ruộng của mình, nông dân thường không cắm bảng khuyến cáo người chăn nuôi không chăn thả gia súc, gia cầm trong đám ruộng đó để tránh bị ngộ độc, trong khi ở các vùng nông thôn có truyền thống nuôi vịt chạy đồng. Gia súc, gia cầm mà “dính thuốc” là bị ngộ độc, nếu bị nặng có thể chết hàng loạt. Ngành chức năng đã đưa ra khuyến cáo nông dân không nên sử dụng các loại thuốc nói trên để bảo vệ sức khỏe cho con người và gia súc, gia cầm, nhưng vì cái lợi trước mắt mà họ vẫn sử dụng bất chấp”, ông Nguyễn Tấn Phát nói.
Cả cánh đồng chuẩn bị bước vào vụ ĐX 2018 – 2019 ở Bình Định đang “ăn” thuốc diệt cỏ
Cũng theo ông Phát, hằng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định đều phối hợp với Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, thị xã, thành phố cùng các cấp hội, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền sử dụng thuốc BVTV đúng cách; đồng thời, khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc diệt cỏ có hoạt chất Paraquat và Glyphosate để diệt cỏ trên ruộng lúa, bờ ruộng, hoặc bờ mương, nhất là các mương có chăn nuôi gia cầm và thủy sản.
“Ngày 8/2/2019 tới, thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D và Paraquat chính thức bị loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Từ thời gian đó, cơ sở hoặc hộ nông dân nào mua bán hoặc sử dụng loại thuốc này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Chi cục đã có hướng dẫn các địa phương cấm người dân không được sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất 2.4D, Paraquat và hạn chế sử dụng thuốc có hoạt chất Glyphosate để phun trên chân đất lúa, bờ mương”, ông Phát cho biết thêm.
Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định định hướng bà con nên sử dụng một số loại thuốc trừ cỏ đặc trị nằm trong danh mục được Bộ NN-PTNT cho phép, như Sofit 300 EC, Prefit 300 EC, Ginga 33 WG, Sirius 10 WP… để trừ cỏ chát, cỏ lá rộng; thuốc Topshot 60 OD, Nominee 10SC… trong trường hợp trên đồng có nhiều cỏ lồng vực, đuôi phụng. Việc sử dụng cần đúng liều lượng thuốc đã khuyến cáo trên bao bì. |