hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp (08/03/2019)
Làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp là một ý tưởng hấp dẫn và tích cực. Và trên thực tế, ý tưởng ấy đã được áp dụng thành công ở nhiều nơi...
Sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường.  Trong ảnh: Mô hình sản xuất nấm rơm của một hộ dân ở huyện Thăng Bình. Ảnh: B.A
Sử dụng phế phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Mô hình sản xuất nấm rơm của một hộ dân ở huyện Thăng Bình. Ảnh: B.A

Làm giàu từ rơm

Mặc dù lúa đông xuân 2019 đến nay mới vào giai đoạn đứng cái, làm đòng, nhưng một số hộ nông dân ở thôn Đồng Tràm Tây (xã Quế Phú, Quế Sơn) đã nhận tiền đặt cọc để bán rơm cho những người làm nghề trồng nấm rơm ở Thăng Bình. Một nông dân ở địa phương cho biết, trước đây hầu hết gia đình dùng rơm để nấu nướng và chăn nuôi. Vài năm trở lại đây, nhà nào cũng dùng bếp ga, số người nuôi trâu bò cày cũng giảm xuống nên rơm rạ thừa ra, phải đốt hoặc chất đống bỏ lại ngoài đồng. “Chừ có người mua rơm, cũng rẻ thôi, nhưng mình vừa có tiền, vừa khỏi lo dọn dẹp, lợi cả đôi đường” - người này nói.

Trong khi đó, anh Trần Sáu ở thôn Minh Tân, xã Đại Phong (Đại Lộc) cho biết, từ năm 2008 đến nay việc trồng nấm rơm đã thành một nghề đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Từ chỗ chỉ có một trại nấm nhỏ, đến nay gia trại trồng nấm của anh đã mở rộng quy mô sản xuất lên 7 trại, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương; lúc cao điểm, số lao động tăng lên 9 - 10 người. Năm ngoái, Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc đã đến khảo sát, đặt vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho gia đình anh Sáu cũng như đề nghị anh chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho những nông dân có nhu cầu. Hiện tại, anh đã kết nối với một số người trồng nấm ở Đại Lộc, vừa để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, vừa kết hợp khai thác nguồn rơm nguyên liệu ở các vùng trồng lúa... Anh Sáu nói: “Nhiều nơi người ta thu hoạch lúa xong thì đốt rơm hết, mình phải tranh thủ thu gom vì cái thứ người ta bỏ đi đó lại tạo việc làm và thu nhập cho mình”.

Tuy không tiết lộ cụ thể, nhưng anh Trần Sáu cho biết so với làm nông thuần túy, việc trồng nấm rơm cho thu nhập khá hơn. Còn theo ông Thái Tấn Dũng - một trong những người trồng nấm rơm quy mô lớn ở xã Bình Trị (Thăng Bình), bình quân mỗi tháng gia đình ông sản xuất khoảng 2.500 - 3.000 bịch nấm rơm, sau khi trừ các khoản chi phí thì thu được trên dưới 10 triệu đồng, tùy thời điểm. Theo ông Dũng, trồng nấm rơm không phải là công việc nặng nhọc, lại khỏi phải bỏ quê đi làm ăn xa, thu nhập khá ổn định nên gia đình ông sẽ tiếp tục theo nghề này. Hiện tại, ở xã Bình Trị có hơn 100 gia đình khác theo nghề trồng nấm rơm; nhiều hộ trong số này đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Và không chỉ có rơm

Mấy năm trở lại đây, Sở Khoa học - công nghệ đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong việc phát triển kinh tế từ các phế phẩm nông nghiệp. Trong đó, lan tỏa nhanh, rộng, đạt hiệu quả rõ rệt nhất là mô hình trồng nấm rơm. Ngoài ra, sau khi thực hiện thí điểm mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp tại xã Quế Phước (Nông Sơn), hiện tại Sở Khoa học - công nghệ cùng với Hội Nông dân tỉnh tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng mô hình này tại các địa phương khác.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ cho biết, không chỉ là rơm với “đầu ra” là nấm rơm hay phân hữu cơ vi sinh, các phế phẩm nông nghiệp khác như lúa lép, trấu; phế phẩm rau xanh; thân, vỏ hạt các cây họ đậu hay phế phẩm trong chế biến gỗ như mùn cưa... cũng đều có thể biến thành tiền. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình sản xuất với nguyên liệu là các loại phụ phẩm, phế phẩm nói trên. Chẳng hạn như mô hình sản xuất củi đun từ trấu và mùn cưa của một doanh nghiệp ở thôn An Tây (xã Tam Quang, Núi Thành) hay mô hình sản xuất củi đun từ trấu của cơ sở An Sinh (xã Bình Sa, Thăng Bình), cơ sở Hồng Tiến (xã Điện Trung, Điện Bàn)... “Biến những thứ bỏ đi thành tiền luôn là một ý tưởng hấp dẫn và là một lĩnh vực sản xuất có tiềm năng, cần được khuyến khích. Không chỉ tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, việc sử dụng các phế phẩm nói chung và phế phẩm nông nghiệp nói riêng làm nguyên liệu sản xuất còn góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường” - ông Sinh nói. Tuy nhiên, ông Sinh cũng lưu ý, về lâu dài cần phải có phương án xử lý chất thải sau sản xuất, chẳng hạn như rơm sau khi làm nấm cần được chôn lấp để cải tạo đất hoặc thu gom để làm phân bón, nếu không thì chính nó lại là thứ gây ô nhiễm...

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  973 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 92 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 90
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com