Học từ khi lên 7
Đến vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng giữa cái nắng mùa khô hạn, nằm ngay sát tỉnh lộ 725 không khí lao động sản xuất của người dân tại thị trấn Nam Ban vẫn tấp nập lạ thường. PV Báo Dân Việt dừng lại ngay trước cổng của một nhà kho rộng hàng trăm mét vuông xếp toàn lồ ô và các tấm phên còn đang đan dở.
Chúng tôi gặp một người phụ nữ đã lớn tuổi nhưng bàn tay vẫn thoăn thoắt đan phên. Hỏi ra thì mới biết bà đang đan phên để làm ra những chiếc nong, phục vụ nghề nuôi tằm. Bà Nguyễn Thị Thìn (70 tuổi, ngụ tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban, Lâm Hà, Lâm Đồng) là người con của mảnh đất Hà Nam. Bà và gia đình vào Tây Nguyên từ những năm 1991 với nghề đan nong, né phục vụ người nuôi tằm tại địa phương.
Bà Thìn chẻ những thanh nan mỏng dính để đan nong. Ảnh: Văn Long.
Hiện nay, tại huyện Lâm Hà nghề trồng dâu nuôi tằm đang rất phát triển và mang lại giá trị kinh tế cao. Song song với đó, nhu cầu về nong, né để nuôi tằm của người dân cũng rất lớn. Chính vì vậy, những người ở tổ dân phố Từ Liêm 2 càng có cơ hôi để phát triển và giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.
Bà Thìn cho biết, bản thân bà đã được ông bà và bố mẹ dạy cho nghề đan này từ những năm bà lên 7. Đến khi bà 13 tuổi thì cũng đã đan thành thạo. Khi còn ở Hà Nam, người ta chủ yếu đan phê để làm các bồ đựng thóc, ngô. Tuy nhiên, khi vào đến Lâm Đồng thì việc đan phên này mới được áp dụng vào làm nong, né nuôi tằm.
Người thợ pha tre để làm cạp nong trong ngôi nhà xưởng của bà Thìn. Ảnh: Văn Long.
“Hiện nay, tại tổ dân phố Từ Liêm 2 có khoảng 12 hộ làm nghề đan nong, né giống như tôi. Tuy tiền công mang lại không cao nhưng chúng tôi vẫn làm vì muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông. Đến nay đã 70 tuổi, tôi có 5 người con thì cả 5 đều theo nghề của mẹ. Tôi rất mừng vì điều đó!”, bà Thìn chia sẻ.
Mỗi ngày bà Thìn chỉ đan được khoảng 7 tấm phên, tuy tiền công chẳng được là bao nhưng bà không làm là không chịu được vì nhớ nghề. Có những lần bà ngồi đan cả ngày, tối đến nằm lên giường là ê ẩm hết người. Những thanh lồ ô được chẻ ra mỏng dính sắc lẹm, việc đứt tay, chân mỗi khi làm việc là chuyện bình thường kể cả người làm có đeo bao tay.
“Bắt tứ bắt nhì, thù thì đè ba”
Bà Thìn cho biết, đan nong cũng như đan các tấm phên ngày xưa, người ta vẫn tuân thủ theo nguyên tắc “bắt tứ bắt nhì, thù thì đè ba”.
Bà Thìn vừa đan vừa giải thích cho PV hiểu nguyên tắc trong nghề này: “Khi ta đã xếp khoảng 10 thanh nan thành một hàng dọc, sau đó dùng một thanh nan khác đan chiều ngang thì bắt đầu thực hiện theo nguyên tắc. Ba thanh nan dọc đầu tiên sẽ bị đè xuống dưới rồi 4 thanh nan tiếp theo được đẩy lên trên. Sau đó, lại đè ba thanh nan kế tiếp xuống dưới, cuối cùng là bắt 2 thanh nan lên trên và quay lại bước ban đầu. Cứ như thế chúng tôi đan tấm mê sao cho đủ kích thước của một chiếc nong có đường kính 110 – 120cm tùy vào yêu cầu của người đặt”.
Cây lồ ô được những người thợ đặt mua từ người dân bản địa tại xã Phi Liêng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), Phú Sơn (huyện Lâm Hà). Theo bà Thìn, mỗi lần mua lồ ô và tre bà phải mất từ 7 – 8 triệu đồng. Đối với loại lồ ô để chẻ nan đan nong thì có giá 3,2 ngàn đồng/kg và chiều dài từ 80 – 130cm. Còn loại cây dùng để đánh cạp nong có chiều dài 4,2m được bà mua với giá 22 ngàn đồng/cây. Những cây tre dùng đan né cũng được người dân bán với giá 2,3 ngàn đồng/kg và dài 1,6m
Những tấm phên được bà Thìn đan sau đó dùng thước vẽ một vòng tròn rồi dùng dao chặt để ra hình dáng một chiếc nong. Ảnh: Văn Long.
Sau khi cây được chuyển về nhà, bà Thìn sẽ phân công cho những người trong nhà để làm những công đoạn khác nhau. Từ việc pha, chẻ những cây lồ ô lớn ra đẻ làm nan, rồi đến việc chẻ tre làm cạp nong…
Khi đã đủ các loại nguyên liệu, bà Thìn sẽ tiến hành đan những tấm phên. Sau đó bằng dụng cụ chuyên dùng như một chiếc compa, bà Thìn sẽ vẽ hình tròn có đường kính tùy thuộc vào yêu cầu của khách đặt. Cuối cùng là sẽ dùng dao rựa chặt phần còn thừa rồi cạp viền cho chiếc nong để có một sản phẩm hoàn chỉnh.
Đối với những chiếc né, người đan cũng phải rất kiên trì. Một chiếc né cần phải có 60 tấm phên với chiều dài khoảng 1,5m, rộng khoảng 8cm. Sau đó 60 tấm phên né sẽ được ghép lại với nhau theo hình chữ V, lên khung tạo thành một chiếc né hoàn chỉnh.
Ông Hoàng Xuân Trường (57 tuổi, tổ dân phố Từ Liêm 2) cho biết: “Gia đình tôi đã làm nghề này được gần 40 năm rồi. Ngày xưa ở địa phương có công ty tơ tằm nên họ đặt mình hàng trăm chiếc nong né. Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ nghề đến bây giờ. Tôi vào đây từ năm 17 tuổi, rồi thấy người ta làm mình cũng học theo, cái đầu méo mó, dần dần mình làm quen rồi nó sẽ đẹp. Bây giờ tôi có thể làm được mọi công đoạn, nhưng vẫn phải chia việc ra cho những người khác làm, mình chỉ cạp nong thôi”.
Ông Trường mới cạp xong một chiếc nong để mang ra trước nhà trưng bày. Ảnh: Văn Long.
Hiện nay, gia đình ông Trường có nhận nhiều đơn đặt hàng hàng trăm chiếc từ các huyện Di Linh, Đam Rông, hay tỉnh Đăk Lăk…Theo ông Trường, tuy nghề nuôi tằm có phát triển, việc đan nong, né cũng thường xuyên hơn nhưng tiền công làm hằng ngày cũng không cao lắm.
Với tay nghề cao như ông Trường và bà Thìn thì công việc là cạp nong và đan mê nong một ngày cũng chỉ hoàn thành được khoảng 8 chiếc. Hiện tại, trung bình một chiếc nong sẽ được bán với giá 120 ngàn đồng. Một chiếc né lên khung hoàn chỉnh, người dùng chỉ mang về và bắt tằm lên có giá 200 ngàn đồng.
Hầu hết những người dân tại đây đều trồng cà phê, chỉ coi việc đan nong, né là nghề phụ. Tuy nhiên, nghề này cũng góp một phần cho sự phát triển của nghề tằm của địa phương. Bên cạnh đó, họ cũng chính là những truyền nhân ưu tú nhất cho nghề đan nong, né của cha ông cần được giữ gìn và phát triển.