hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Phục tráng giống nếp đắng (19/04/2019)
Lộc Đại (nay là Lộc Thượng, Quế Hiệp, Quế Sơn) là xứ sở của giống nếp đắng bản địa, thơm dẻo mềm và có hương vị đặc trưng. Việc chọn giống nếp đắng xây dựng sản phẩm OCOP được địa phương chú trọng.
Hạt nếp đắng Lộc Đại được ông Trần Phước Binh (60 tuổi) giữ giống cẩn thận cho vụ mùa sau. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Hạt nếp đắng Lộc Đại được ông Trần Phước Binh (60 tuổi) giữ giống cẩn thận cho vụ mùa sau. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ngọt thơm nếp đắng

Nếp đắng là loại đặc sản của thôn Lộc Đại hiện bị lai tạp nhiều, giảm năng suất, dễ bị sâu bệnh. Cả thôn Lộc Đại hiện chỉ có hộ ông Trần Phước Binh và gia đình một người em trong họ là còn giữ được giống tốt, ít bị lai tạp và sản xuất nhiều mẫu ruộng, trong khi nhiều gia đình khác chỉ sản xuất 5 - 10kg giống đủ để sử dụng. Theo ông Trần Phước Binh (Sáu Binh), sở dĩ giống nếp của gia đình ông được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện chọn làm cơ sở để phục tráng, thuần chủng giống vì vùng sản xuất của ông riêng biệt, không nằm lẫn lộn với các chân ruộng lúa thường, không có hiện tượng thụ phấn chéo giữa các loại cây trồng. Nếp đắng được bán với giá 30.000 đồng/kg. “Làm ra được bao nhiêu có người đến mua hết bấy nhiêu, tôi chỉ giữ lại 1 tạ để bán cho bà con xa gần và để nấu xôi giỗ chạp, làm bánh. Ai cần số lượng nhiều phải đặt trước mới có. Gần đây tôi chỉ bán nếp cho những người có uy tín chứ không bán đại trà như trước vì đã từng có người cố tình trộn nếp đắng với nếp bầu giá rẻ để bán kiếm lời, làm ảnh hưởng tới thương hiệu nếp đắng Lộc Đại” - ông Binh nói.

Mỗi năm, nếp đắng chỉ trồng được 1 vụ. Nếp đắng cho năng suất cao vào vụ hè thu, còn vụ đông xuân thì ngược lại. Lúa nếp chỉ trổ qua tiết bạch lộ (đầu tháng 8), thời gian trổ và chín, thu hoạch trong vòng 1 tháng. Điều rất lạ là giống nếp này được nhiều người đem về gieo trồng ở thôn, xã khác thì độ dẻo thơm với hương vị đặc trưng giảm hẳn đi. “Ngay Quế Hiệp cũng chỉ có vùng Lộc Đại chuyên trồng nếp đắng nhưng hiện nay giống nếp này chẳng còn mấy hộ gìn giữ” - ông Binh cho biết. Nếp đắng được dùng để nấu xôi gấc, xôi đậu đỏ, xôi gà, làm bánh tro mè, bánh tổ và nhiều loại bánh khác của vùng Lộc Đại vào các dịp giỗ tiệc, tết nhứt. Nguồn gốc nếp đắng có từ đâu, ngay cả những người già nhất trong làng cũng chẳng biết rõ. “Gọi nếp đắng nhưng gạo nếp này không đắng, cây lúa nếp rạ cũng rất ngọt, vì thế sâu, chuột vẫn thích ăn” - ông Sáu Binh nói. So sánh về mặt giá trị, cây nếp đắng cho giá trị gấp 3 - 4 lần cây lúa. Mỗi sào nếp cho 2 tạ, giúp người trồng thu về 4 triệu đồng, trong khi cây lúa chỉ cho thu nhập 1,2 triệu đồng/sào. Nhận thấy giá trị cao từ cây nếp đắng, Lộc Đại từng thành lập câu lạc bộ trồng nếp đắng để phát huy, gìn giữ đặc sản bản địa nhưng sản lượng làm ra còn ít, nguồn cung nhỏ giọt, hạt nếp đắng vẫn không đi ra được khỏi Quế Hiệp, Quế Sơn...

Xây dựng sản phẩm OCOP

Theo Hội Nông dân xã Quế Hiệp, nếp đắng chỉ cho sản lượng cao trong vụ hè thu bằng việc bắc mạ sau 20 - 30 ngày thì nhổ mạ cấy chứ không gieo sạ như quy trình canh tác lúa. Thời gian sinh trưởng của nếp đắng là 120 ngày, cao hơn các loại giống lúa thường sử dụng ở địa phương 10 - 30 ngày. Ngày trước, xã Quế Hiệp có không dưới 200 hộ dân tham gia sản xuất nếp đắng với số diện tích bình quân mỗi vụ ít nhất là 15ha, cho năng suất 2 tạ/sào. Vụ hè thu 2017, xã Quế Hiệp từng hỗ trợ 26 hộ dân trên địa bàn thôn Lộc Đại tổ chức sản xuất 40 sào nếp đắng với mục đích bảo tồn giống nếp đặc sản này. Tham gia mô hình, nông dân được xã hỗ trợ 100% tiền mua hạt giống, 30% tiền mua phân bón và được đội ngũ khuyến nông viên cơ sở hướng dẫn quy trình canh tác, phòng trừ dịch hại.

Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Quế Sơn, xã Quế Hiệp và hộ ông Trần Phước Binh đã bắt tay phục tráng, thuần chủng lại giống nếp đắng đặc sản từ năm 2018. Đây là mô hình xuất phát từ đề tài khoa học - công nghệ cấp huyện về phục tráng giống nếp đắng đặc sản Quế Hiệp với tổng kinh phí khoảng 170 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Minh Châu - Bí thư Đảnh ủy xã Quế Hiệp, khi phục tráng thành công giống nếp đắng, xã sẽ xúc tiến việc xây dựng thương hiệu và ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ một số khâu trọng yếu cho nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nếp đắng Quế Hiệp theo phương thức hàng hóa tập trung. Được biết, Quế Hiệp đang hướng tới xây dựng thương hiệu giống nếp đắng Quế Hiệp thành thương hiệu đặc sản địa phương theo chương trình OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị - mỗi làng một sản phẩm)... Từ hướng đi này, nhiều nông dân có tâm huyết gắn bó với cây nếp đắng rất muốn xây dựng thương hiệu nếp đắng, xây dựng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm ra thị trường rộng rãi hơn, được nhiều nơi biết tới hơn. Hiện, nếp đắng là cây cho thu nhập cao ở Quế Hiệp, ngoài cây keo và nén rẫy.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,119 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 21 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com