hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Triển vọng cây sen trên đất nhiễm mặn (25/07/2019)
Trước thực trạng nhiều diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn, canh tác không hiệu quả, nông dân xã Bình Sa (Thăng Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây sen. Bước đầu việc chuyển đổi đã đem lại hiệu quả, góp phần giải quyết diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Cánh đồng sen trên đất nhiễm mặn ở Bình Sa. Ảnh: V.T
Cánh đồng sen trên đất nhiễm mặn ở Bình Sa. Ảnh: V.T

Có thêm nguồn thu nhập

Ba năm trước, trong lúc đi làm thợ hồ tại xã Bình Trung, ông Châu Văn Tống (thôn Châu Khê, xã Bình Sa) ấn tượng với những cánh đồng sen mênh mông dưới chân ruộng trũng lầy, ông Tống nảy ra ý định mang cây sen về địa phương. Sau khi được sự hướng dẫn của một người bạn tại xã Bình Trung, đầu năm 2017, ông Tống xuống giống vụ sen đầu tiên trên 5 sào đất lúa nhiễm mặn bỏ hoang nhiều năm. Tuy nhiên, sau một trận mưa lớn gây ngập nước dài ngày nên toàn bộ sen vụ đầu bị ngập và không lên được.

Không nản chí, tháng 2.2018, ông tiếp tục gieo vụ thứ 2, ban đầu cây sen sinh trưởng và phát triển bình thường, nhưng khi mực nước trong ruộng xuống thấp, nước nhiễm mặn của sông Trường Giang dâng cao và lan sang ruộng sen, dẫn đến sen ra hoa nhưng tỷ lệ cho hạt rất thấp, không đủ trang trải chi phí đầu tư.  Sau nhiều lần thất bại, ông Tống rút ra kinh nghiệm, chỉ cần xuống giống sớm hơn 1 – 2 tháng (tầm tháng Chạp năm trước), khi đó nước ngọt trong ruộng vẫn còn, đến tháng 4 năm sau, dù nước mặn có xâm nhập thì sen đã cho hạt nên không ảnh hưởng đến năng suất.

Ông Tống chia sẻ, so với trồng các loại cây khác, chi phí đầu tư cho cây sen không cao, trung bình 1 sào gieo 30 mống, mỗi mống 2 nhánh sen giống; chi phí cho 1ha là 700 mống, với số tiền khoảng 7 triệu đồng. Ngoài ra, phân bón cho cây sen cũng không nhiều, chủ yếu là bón phân hữu cơ và một ít đạm NPK. Tầm 3 tháng sau khi gieo là có thể thu hoạch sen, thời gian thu hoạch từ 3 - 5 tháng, với giá bán trên thị trường hiện nay từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta sen cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa.

“Với 2 héc ta sen hiện có, mỗi năm gia đình tôi có thể thu nhập trên dưới 80 triệu đồng. Ngoài ra, trong khoảng thời gian sen phát triển, tôi có thể làm những công việc khác để tăng thu nhập. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục xin phép địa phương đắp bờ cao hơn để ngăn nước mặn, phèn xâm nhập, vừa cải tạo đất, vừa tăng năng suất cho cây sen” – ông Tống cho biết.

Chỉ tay về phía cánh đồng sen rộng gần 2ha đang trong mùa thu hoạch, anh Trần Thanh Hải ở thôn Bình Trúc cho hay, năm 2019 là vụ đầu tiên anh tiến hành xuống giống sen. Nhờ học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước về thời gian xuống giống, các kỹ thuật về đào mống sen, đặc biệt là việc hạn chế nước nhiễm mặn xâm nhập nên vụ sen đầu tiên của anh đã cho năng suất cao hơn những đầm sen bên cạnh.

Anh Hải cho biết, qua so sánh ở những vùng trồng sen khác thì khả năng phát triển và năng suất đem lại không thua kém các vùng trồng sen trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, vấn đề mà người trồng sen nên lưu ý là thời gian từ khi gieo đến khi thu hoạch nên hạn chế việc bị nước nhiễm mặn, ít nhất là đến khi sen đã đậu hạt (tầm 3 tháng sau khi gieo) để đạt năng suất tốt nhất.

“Sen ở đây sau khi thu hoạch, bóc vỏ xong, các thương lái từ Điện Bàn đến tận nhà thu mua, với giá bán sen thô từ 27 – 30 nghìn đồng/kg hạt nhỏ và 35 – 40 nghìn đồng/kg hạt lớn. Dự kiến sau vụ này, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng sen thêm khoảng 1ha. Cạnh đó, sẽ nuôi thêm các loại cá dưới chân ruộng như cá diêu hồng, cá lát… để nâng cao thu nhập” – anh Hải nói.

Khuyến khích chuyển đổi cây trồng

Theo ông Phạm Ngọc Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa, diện tích sản xuất nông nghiệp toàn xã trong vụ hè thu năm nay là 372ha, đối với những chân ruộng trồng lúa kém hiệu quả, địa phương đã có chủ trương khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như cây đậu phụng (130ha), còn lại là trồng mè, riêng lúa chỉ chiếm 30 – 40ha.

Đối với cây sen, đa số diện tích loại cây trồng này là đất lúa kém hiệu quả, bỏ hoang từ nhiều năm trước, tập trung ở những diện tích bị ngập, bị nhiễm mặn, phèn sát đê sông Trường Giang. Hiện nay có gần 15 hộ dân canh tác, bước đầu đem lại hiệu quả khả quan, vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa hạn chế tình trạng đất bỏ hoang trên địa bàn.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, trong số diện tích đất trồng sen hiện nay có một phần diện tích đất 5% công ích do nhà nước quản lý; cạnh đó, việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang vùng trồng sen (đất hằng năm) còn lấn cấn vì Bình Sa là xã nằm trong vùng quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai. Do đó, trước mắt địa phương sẽ tạo điều kiện để người dân sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, còn về lâu dài cần có những giải pháp rõ ràng.

“Với hiệu quả và tiềm năng từ việc trồng sen đem lại, thời gian đến, chúng tôi sẽ triển khai đấu thầu cho thuê đối với những diện tích do Nhà nước quản lý khi người dân có nhu cầu trồng sen theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhằm tạo sự công bằng cho người dân. Hiện nay, địa phương tiến hành lập bộ đất công ích ở các thôn để thống kê, đánh giá hiệu quả, từ đó có giải pháp chuyển đổi cây trồng trong thời gian đến” – ông Phạm Ngọc Cường nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  2,652 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 115 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com