hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Ứng dụng IoT và Blockchain với chuỗi sản phẩm sâm củ Ngọc Linh: Cần phù hợp với vùng trồng sâm dưới tán rừng (04/09/2019)
Giải pháp ứng dụng công nghệ IoT & Blockchain trong quản lý, kiểm soát, truy xuất chất lượng chuỗi sản phẩm sâm củ Ngọc Linh vừa thu hút sự quan tâm lớn của các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, đại diện người trồng sâm Nam Trà My.
Đa dạng sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại các chợ sâm núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My. Ảnh: H.LIÊN
Đa dạng sản phẩm từ sâm Ngọc Linh tại các chợ sâm núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My. Ảnh: H.LIÊN

Công nghệ truy xuất tối ưu

Hội thảo bàn về giải pháp công nghệ trong quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc chất lượng chuỗi sản phẩm sâm củ Ngọc Linh trên cơ sở ứng dụng công nghệ IoT & Blockchain tại Sở KH-CN mới đây nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện người trồng sâm. Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm sâm củ Ngọc Linh hiện rất khó khăn, phức tạp, phải có phương án và xây dựng một quy trình quản lý từ khâu canh tác đất đến gieo hạt, trồng sâm, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm.

“Càng minh bạch các quá trình đó thì người tiêu dùng, thế giới chấp nhận sản phẩm của chúng ta dễ dàng. Phải làm sao đó cho họ biết lịch sử của từng sản phẩm, từng củ sâm một. Việc quản lý, truy xuất nguồn gốc là vấn đề hết sức quan trọng trong thời kỳ hội nhập. Công nghệ IoT& Blockchain là giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ tối ưu” - ông Tích nói.

Quảng Nam và Kon Tum cần quản lý tốt chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Phương Minh - Phó Trưởng phòng Thực thi & giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT). Theo đó, năm 2018, Cục SHTT đã ban hành quyết định công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Ngọc Linh” đối với sản phẩm sâm củ. Giai đoạn 1973 - 2019, kể từ khi thông tin về sâm Ngọc Linh công bố trên các bài báo quốc tế, nhưng việc phát triển thương hiệu, bảo hộ CDĐL của sâm củ Ngọc Linh chưa được tốt. CDĐL này có 2 chủ sở hữu là tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, nằm ở 2 địa bàn khác nhau. Nếu Kon Tum quản lý không tốt thì Quảng Nam sẽ bị thiệt hại uy tín và ngược lại. Vì vậy, hai địa phường phải ngồi lại bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm quản lý CDĐL cho tốt. Mọi hành vi xâm phạm quyền SHTT và tên thương mại CDĐL, cạnh tranh không lành mạnh, sử dụng tên miền gây ảnh hưởng tới CDĐL, bán sâm giả là hành vi lợi dụng uy tín của CDĐL. Nếu phát hiện, chủ sở hữu cần kiến nghị lên Bộ TT-TT, Cục SHTT để có hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý.

Cũng theo ông Tích, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đến 31.12.2019, Sở NN&PTNT, UBND huyện Nam Trà My phải chứng nhận được hết tất cả nguồn gốc, xuất xứ của cây sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My, nhất là vùng trồng sâm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Khi đã chứng nhận được nguồn gốc, xuất xứ rồi thì sản phẩm sâm củ Ngọc Linh mới gắn tem truy xuất được.

“Truy xuất nguồn gốc không khó, bởi công cụ, công nghệ hiện đại rồi, có thể làm được. Cái quan trọng cần truy xuất nguồn gốc gắn với chỉ dẫn địa lý. Nếu không làm từ đầu (từ khâu giống) thì có thể quản lý, truy xuất ở giai đoạn kho (tức quản lý, truy xuất ở đại lý, doanh nghiệp, cơ sở thu mua sâm), đó là điều cần bàn kỹ” - ông Tích nói thêm.

Ông Vũ Hồ Vũ - Giám đốc điều hành của Công ty CP Đầu tư Digital Kingdom cho biết, truy xuất nguồn gốc là giải pháp kết hợp với IoT gồm inrternet vạn vật, có camera an ninh là hệ thống quan trắc, chíp thông minh và blockchain là tất cả hoạt động xảy ra trong một chu kỳ trồng sâm từ xuống giống, tưới nước, chăm sóc, thu hoạch, mỗi hoạt động được block, mã hóa.

Cùng với đó, thông tin doanh nghiệp (hoặc người trồng/nhóm hộ), mã số vùng trồng, thời gian thu hoạch, giấy phép sản xuất, kinh doanh cũng được mã hóa toàn bộ. Hệ thống cập nhật tên thương mại của sản phẩm, tạo danh sách, kê khai các tiêu chuẩn sản phẩm có được. Khi quét mã, có giao diện, mã Icode, có ID, hình đối chiếu động, giúp dễ dàng nhận diện sản phẩm. Không có mã truy xuất thì khó khi chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm trên thị trường. Tem truy xuất phải có chức năng chống giả, hoặc hạn chế tới mức thấp nhất bị giả. Các cây sâm khi xuống giống đều phải đeo thẻ che cây, mỗi vùng trồng đều phải có mã số, giúp cập nhật thông tin dữ liệu từ quá trình canh tác, tất cả quá trình này được mã hóa toàn bộ và lưu lại. Hệ thống IoT & Blockchain giúp dễ dàng kết nối với các thiết bị IoT khác. Với điều kiện vùng sâm, hệ thống được kết nối với 3G hoặc 4G, hoặc có thể kết nối với cổng Lora có thể tiết kiệm điện, tiết kiệm pin cho thiết bị, giúp quét được bán kính trong vòng 1 cây số. Nhưng kết nối 3G sẽ thuận lợi, chi phí thấp hơn.

Lo ngại không ít

Tạo thuận lợi để truy xuất nguồn gốc
Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN, vấn đề quản lý và thực thi quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ gặp khó. Hiện có nhiều công nghệ quản lý, truy xuất nguồn gốc, song Bộ KH-CN, Bộ TT-TT vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về danh mục công nghệ. IoT & Blockchain là một trong số công nghệ hữu hiệu. Ông Tích nói: “Chúng tôi mong muốn công ty có giải pháp phù hợp với thực tế của vùng sâm Ngọc Linh, nhằm gắn kết chỉ dẫn địa lý với truy xuất nguồn gốc. Giải pháp công nghệ cần hiệu quả, thiết thực nhất để Sở KH-CN, Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, Hội Sâm Ngọc Linh và Quế Trà My có giải pháp quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng sản phẩm sâm một cách hiệu quả nhất”. Trong khi đó, ông Vũ Hồ Vũ - Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư Digital Kingdom cho rằng, thực tế, truy xuất nguồn gốc không quá phức tạp, chỉ cần khai báo đầu vào chính xác và chọn những tác vụ đơn giản như: lô sâm nào, cây nào, vùng nào, tên người trồng/nhóm hộ, các tác động lên cây sâm... Các cấp chính quyền, ngành chức năng, Hội Sâm Ngọc Linh và Quế Trà My cần tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích công nghệ.

Bên lề hội thảo, ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam cho rằng, vùng trồng sâm nằm dưới cánh rừng già, độ ẩm rất cao, cây rừng dễ ngả đổ, địa hình có độ dốc cao và có độ chênh lớn, không đồng đều nên việc triển khai công nghệ IoT & Blockchain trong thực tiễn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. IoT chỉ thiết thực đối với vùng canh tác nông nghiệp rộng lớn, bằng phẳng hơn là địa hình rừng núi. Chưa kể, công nghệ thông tin, hạ tầng vùng trồng sâm còn yếu kém, lạc hậu, sóng di động, 3G không có, điện và hạ tầng viễn thông chưa phủ tới vùng sâm. Trình độ dân trí của đồng bào nơi đây còn thấp, nên việc khai báo, cập nhật thông tin dữ liệu sẽ gặp khó khăn.

“Phải truy xuất từ khâu sản xuất mới hiệu quả. Nhưng quản lý ở khâu sản xuất của chúng ta còn gặp khó. Còn nếu triển khai bình thường, càng đơn giản, tối giản hóa những thông tin kê khai để người dân có thể làm được. Người dân cần kê khai mua cây giống từ đâu, bao nhiêu cây, trồng khi nào, ở đâu, dự kiến khi nào thu hoạch... Khi quản lý được dữ liệu đầu vào rồi, người dân thu hoạch sâm bán cho đại lý hoặc doanh nghiệp thì ta áp dụng hình thức quản lý, truy xuất từ kho. Truy xuất nguồn gốc phân đoạn và áp dụng quy trình trong dân càng đơn giản thì may ra mới làm được” - ông Út chia sẻ.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cũng chung lo ngại trên. Ông Bửu chia sẻ thêm, cây sâm trồng trong rừng già, dưới tán rừng, không có luống như công nghiệp, độ che phủ tán rừng cao và không đồng đều, độ ẩm cao nên thiết bị dễ bị hư hỏng. Sâm có chu kỳ trồng dài, có thể 5 năm, 10 năm, 20 năm. Nếu IoT được Nhà nước quan tâm đầu tư bảo vệ an ninh vùng sâm gốc, vườn sâm giống chống trộm cắp thì rất thiết thực. IoT & Blockchain trước mắt nên triển khai ở doanh nghiệp, những hộ và nhóm hộ có điều kiện, sau đó tạo sự lan tỏa. Để truy xuất nguồn gốc, Nhà nước cần đầu tư thêm máy kiểm định chất lượng sâm bởi khâu kiểm định hiện nay chỉ dựa vào kinh nghiệm, cảm tính. Các cơ quan chức năng nếu phát hiện có sai phạm cũng khó xử lý.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,135 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 24 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com