hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tiếp sức sản phẩm công nghiệp nông thôn (10/03/2021)
Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của chương trình khuyến công, các hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy móc, hiện đại hóa quy trình sản xuất, tạo sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) chất lượng.
 

Anh Lê Văn Lợi bên dây chuyền chiết rót nước mắm tự động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Anh Lê Văn Lợi bên dây chuyền chiết rót nước mắm tự động. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Hiệu quả thiết thực

Năm 2018, HTX Nông nghiệp & kinh doanh dịch vụ Cát Trắng (HTX Cát Trắng, thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, Tam Kỳ) ra đời gồm 7 thành viên trẻ tuổi ở địa phương.

Anh Lê Văn Lợi - Giám đốc HTX Cát Trắng cho biết, không thể không lựa chọn sản xuất, kinh doanh nước mắm vì đó là vốn quý, đặc sản của quê hương. Ban đầu, HTX Cát Trắng sản xuất nước mắm theo quy trình kỹ thuật truyền thống của làng nghề, ưu điểm là giữ được hương vị nước mắm đặc trưng, tuy nhiên hạn chế là quy mô nhỏ.

Để nâng tầm sản xuất sản phẩm CNNT, năm 2020, HTX Cát Trắng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của chương trình khuyến công quốc gia với số tiền 195 triệu đồng để đầu tư bể chượp composite và dây chuyền chiết rót, đóng chai nước mắm tự động thông qua ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống đảo chượp tự động.

Trong dịp tết vừa qua, HTX Cát Trắng lần đầu tiên đưa 1 nghìn lít nước mắm tinh khiết, đảm bảo các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm ra thị trường thông qua các siêu thị mi ni, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh.

“Nhờ thị trường đón nhận nồng nhiệt nên chúng tôi đang mở rộng quy mô sản xuất nước mắm. Đón đầu thị trường, chúng tôi đã kết nối, xây dựng được nhiều cửa hàng, đại lý phân phối, siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Dự kiến quy mô sản xuất của chúng tôi trong năm 2021 là 15 nghìn lít nước mắm, kỳ vọng lãi ròng khoảng 300 triệu đồng” - anh Lợi nói.

Bún khô, phở khô là nghề truyền thống của người dân các xã Bình Trị, Bình Chánh (Thăng Bình). Thế mạnh của sản phẩm CNNT này là dễ làm, chất lượng, được người dùng tin tưởng. Tuy nhiên, hạn chế là người dân còn thiếu vốn nên đầu tư máy móc, thiết bị còn chưa đồng bộ, nhất là máy sấy để làm khô bún, phở vào mùa mưa. Năm 2020, hộ kinh doanh cá thể Võ Tấn Hải (thôn Nam Tiễn, xã Bình Trị) đã huy động hơn 200 triệu đồng để tiếp cận nguồn vốn khuyến công 70 triệu đồng đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất bún, phở khô.

Ông Hải cho biết, ứng dụng công nghệ mới cho nghề sản xuất bún, phở khô đảm bảo sản lượng, năng suất, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày một tăng cũng như giải quyết số lượng lớn bún, phở tươi ở các hộ sản xuất cá thể lân cận vào mùa mưa.

Bà Doãn Thị Mỹ Ngọc - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Khuyến công (Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu, Sở Công Thương) cho rằng, hỗ trợ hộ kinh doanh đầu tư, hiện đại hóa nghề làm bún, phở khô có ý nghĩa kinh tế - xã hội thiết thực, kế thừa, phát huy nghề truyền thống, tăng hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương.

Phát triển bền vững

Để tạo cú hích phát triển các sản phẩm CNNT, mỗi năm, Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu đều tham mưu Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh triển khai chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, qua đó, tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã đầu tư lớn, tạo sản phẩm, hàng hóa chất lượng. Cùng với đó, triển khai các chương trình giao thương, kết nối cung cầu, giới thiệu, quảng bá để tăng vị thế cạnh tranh cho hàng hóa CNNT xứ Quảng. Hiệu quả thấy rõ của các chương trình thúc đẩy phát triển các sản phẩm CNNT Quảng Nam là tạo dựng được nhiều thương hiệu hàng hóa nổi tiếng như dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tân Thạnh, Tam Kỳ), dầu phụng xứ Quảng (Điện Quang, Điện Bàn), nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên), mộc mỹ nghệ Điện Bàn...

“Nhiều giải pháp thiết thực đã tiếp sức phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm CNNT. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch bằng các hình thức hỗ trợ về nhà xưởng, hệ thống xử lý nước, công nghệ mới bảo quản sản phẩm...” - ông Đinh Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu nói.

Nhiều sản phẩm CNNT đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhưng cũng có nhiều sản phẩm lại loay hoay tìm thị trường tiêu thụ. Trong khi đó, nguồn khuyến công của tỉnh và trung ương để hỗ trợ, kích thích phát triển các sản phẩm CNNT không nhiều. Bà Doãn Thị Mỹ Ngọc cho biết, sẽ kết nối, huy động thêm nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho nhiều HTX, hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNNT trong thời gian đến. Tuy vậy, các chủ thể sản xuất CNNT cần hoạch định cho mình chiến lược dài hơi, hướng đi phù hợp với yêu cầu khắt khe của thị trường, cho ra đời các sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Có thể thấy rằng, những hỗ trợ của ngành Công Thương chỉ là bước khởi đầu, giúp HTX, hộ sản xuất có cơ hội đưa sản phẩm CNNT vào thị trường. Sản phẩm CNNT muốn tồn tại và phát triển mạnh mẽ thì các chủ thể phải tự thân vận động, đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm… Đây là những yếu tố tiên quyết, không cơ quan nào có thể thay họ làm được.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  519 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 148 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70 110
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com