Mức độ rủi ro dịch bệnh cao
Theo xuất của UBND tỉnh, 13 phường gồm: Tân Thạnh, An Mỹ, Phước Hòa, An Sơn, An Xuân, An Phú (TP.Tam Kỳ), Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tân An, Cửa Đại, Cẩm An (TP.Hội An), Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) không được phép chăn nuôi.
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cũng không được chăn nuôi ở khu vực trung tâm xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh; những địa điểm không đảm bảo tách biệt với nơi ở của người và không có hệ thống thu gom, hệ thống xử lý chất thải đủ công suất (như biogas hoặc đệm lót sinh học phù hợp)…
Thay mặt UBND tỉnh trình bày đề án nêu trên, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 312.000 cơ sở chăn nuôi, hầu hết là chăn nuôi quy mô nông hộ. Trong đó số cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư chiếm hơn 97%.
Chăn nuôi quy mô trang trại phát triển nhưng chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, mức độ rủi ro dịch bệnh rất cao, sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị chưa phát triển, sản phẩm thiếu tính cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Số cơ cở chăn nuôi nằm trong khu vực thuộc nội thành, nội thị, khu dân cư còn nhiều, khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học để phòng chống dịch bệnh. Thực tế đến nay, trong hơn 38.000 lượt hộ chăn nuôi có heo nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi, hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Ngoài ra, chăn nuôi trong khu dân cư làm tăng nguy cơ xảy ra các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và đang gây ô nhễm nghiêm trọng môi trường sống, chính quyền địa phương thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề.
Nếu được HĐND tỉnh thống nhất ban hành nghị quyết, cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày nghị quyết này có hiệu lực, thuộc khu vực không được phép chăn nuôi, chậm nhất đến ngày 30.4.2026 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm nuôi mới theo quy định.
Nhà nuôi yến phải cách khu dân cư 300m
Về tình hình nuôi chim yến, theo ông Phạm Viết Tích, đến tháng 8.2020, toàn tỉnh có 178 cơ sở nuôi chim yến (tăng 40 cơ sở so với năm 2018) và 1 đảo yến tự nhiên (Cù Lao Chàm). Trong đó có 36 cơ sở được xây kiên cố chuyên dùng nuôi chim yến, số còn lại (80%) được cơi nới trên nhà ở của gia đình đang sinh sống.
Kết quả khảo sát ghi nhận, hầu hết nhà nuôi chim yến nằm trong khu dân cư, âm thanh dẫn dụ chim yến đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng xung quanh.
Theo đề xuất của UBND tỉnh tại tờ trình HĐND tỉnh, các tổ chức, cá nhân được phép bố trí nhà yến ở những nơi đảm bảo cách khu dân cư, trường học, chợ, bệnh viện tối thiểu 300m, đồng thời đảm bảo phù hợp với các quy định khác có liên quan.
Đối với nhà yến đã hoạt động trước ngày nghị quyết này có hiệu lực nhưng không đáp ứng quy định tại nghị quyết thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, không được sử dụng loa phóng phát âm thanh dẫn dụ.
“Đề án của UBND tỉnh đặt mục tiêu, trong năm 2021 có 100% số xã, phường, thị trấn lập cam kết với hộ chăn nuôi không được phép chăn nuôi trong khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư. Có 100% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh tiếp cận được với quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn và khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng nuôi chim yến” - ông Tích cho biết.
Đề xuất chưa phù hợp
Cho rằng việc ban hành nghị quyết là hết sức cần thiết, song theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, đề án đề xuất khu vực không được phép chăn nuôi ở các phường, khu dân cư, tổ dân phố của các thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng thời chưa bao quát hết các yếu tố tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội, thực trạng về mật độ dân cư và chăn nuôi ở các phường của thành phố, thị xã và thị trấn cũng như tốc độ đô thị hóa trên địa bàn của tỉnh.
Một số phường ở TP.Tam Kỳ còn khu vực nông thôn rất nhiều, dân cư thưa thớt, nhưng lại cấm chăn nuôi (Tân Thạnh, An Phú); trong khi đó, một số khu phố của các phường Hòa Hương, Hòa Thuận có tỷ lệ dân cư đông đúc, có các mức tương đồng với khu vực tiếp giáp nhưng lại được phép chăn nuôi.
“Về vùng nuôi chim yến, trước hết, kiểm tra về cường độ âm thanh, thời gian phát loa, trường hợp nhà nuôi yến nằm trong khu dân cư, cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa, nếu vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Đức nêu quan điểm.