Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Năm 2020, thành phố Tam Kỳ còn 224 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,69%; 233 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,72%. Năm 2021, thành phố Tam Kỳ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách về giảm nghèo bền vững, đưa mục tiêu phấn đấu giảm hộ nghèo, cận nghèo vào Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố. Trong 9 tháng đầu năm 2021, các địa phương phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH Quảng Nam giải quyết cho 57 hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng; 12 hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi hơn 500 triệu đồng; hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho vay đối với HSSV; thực hiện chính sách tín dụng cho 03 hộ thoát nghèo bền vững với số tiền 145 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ phương tiện sản xuất, con vật nuôi như: bò, xe nước mía, xe đẩy thu mua phế liệu…với số tiền hơn 50 triệu đồng cho 06 hộ nghèo và cận nghèo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, thành phố Tam Kỳ đã thực hiện cấp phát 440 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 118 triệu đồng; hỗ trợ 760 triệu đồng tiếp sức đến trường đối với các em học sinh nghèo học giỏi; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 39 hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng…
Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố Tam Kỳ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Trong năm 2021, Tam Kỳ phấn đấu duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM và Khu dân cư NTM kiểu mẫu; tổ chức thực hiện và công nhận 10 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu; xây dựng xã Tam Thanh và Tam Ngọc đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận những thành quả của Tam Kỳ trong xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững với những con số ấn tượng như: 4/4 xã đạt chuẩn NTM; sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú, 21 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 11 HTX hoạt động khá hiệu quả…Tuy nhiên, đồng chí Trần Anh Tuấn cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại như: chưa tạo ra được mô hình điểm trong xây dựng NTM; các sản phẩm OCOP tuy đa dạng nhưng thị trường tiêu thụ còn hẹp; chưa khai thác tối đa các lợi thế của địa phương…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: Xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là hai chương trình cốt lõi, với mục tiêu chung nâng cao đời sống, tinh thần của nhân dân. Theo đó, trong thời gian tới, thành phố Tam Kỳ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tập trung phát huy các thế mạnh của Tam Kỳ; thu hút kêu gọi đầu tư, ưu tiên cho các vùng trọng điểm cũng như vùng khó khăn. Đồng thời, chú trọng xây dựng phát triển nhiều mô hình kinh tế mới phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Tam Kỳ; tiếp tục rà soát lại, thực hiện tốt việc giải ngân; tăng cường việc trao đổi, thảo luận với các sở, ngành để giải quyết kịp thời các vướng mắc; thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm ocop, chú trọng khâu tiêu thụ sản phẩm; phấn đấu xây dựng Tam Kỳ trở thành trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của toàn tỉnh…