hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tọa đàm phát huy vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện OCOP và xây dựng nông thôn mới (11/07/2023)
Sáng ngày 10 tháng 7 năm 2023, tại Hội trường UBND xã Điện Quang - Thị xã Điện Bàn, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Tọa đàm phát huy vai trò của Hội Nông dân trong thúc đẩy phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Đồng chí Lê Thị Minh Tâm - UVBTV TW Hội NDVN - Tỉnh uỷ viên - Chủ tịch HND tỉnh và đồng chí Trần Văn Noa - Chi cục trưởng chi cục PTNT tỉnh Quảng Nam đồng chủ trì buổi tọa đàm. Đến dự có các đồng chí lãnh đạo các sở ngành, Thị ủy, UBND thị xã Điện Bàn, Hội Nông dân 18 huyện, thị xã, thành phố và các chủ thể Ocop.

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động cán bộ hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, quy định, hướng dẫn của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình, tổ chức Hội và hội viên nông dân đã đóng góp một phần không nhỏ vào thành quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong gần 13 năm qua. Đến nay Quảng Nam có 4 huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 124/194 xã đạt chuẩn NTM, tỷ lệ 64%; 10 xã NTM nâng cao; 1 xã NTM kiểu mẫu (Đại Hiệp); 213/957 thôn NTM kiểu mẫu, tỷ lệ 22,26%; thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn tăng cao 40,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,63%; hộ cận nghèo: 1,79%.

Một trong những chương trình góp phần vào hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đó là chương trình Mỗi xã một sản phẩm – hay còn gọi là chương trình Ocop. Quảng Nam bắt đầu triển khai từ năm 2018, qua 5 năm đến nay toàn tỉnh có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được công nhận là sản phẩm Ocop, là một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm nhiều nhất của cả nước. Trong số 333 sản phẩm đó, có 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).

Chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, phát huy được vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân, hộ cá thể và kinh tế tập thể trong việc sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm do chính mình làm ra, giúp cho người dân có kiến thức về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, biết tự mình phát triển kinh tế trên chính mảnh đất, quê hương của mình, cùng với cơ chế hỗ trợ, định hướng của Nhà nước, người dân đã tự tạo nên giá trị, thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực nông thôn. Cũng từ chương trình này hình thành nên nhiều doanh nghiệp nhỏ, vừa ở địa phương, tạo công ăn việc làm, giải quyết được rất nhiều đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: Công tác tuyên truyền, vận động chưa được thường xuyên, nên một bộ phận nông dân có tư tưởng còn ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước; một số địa phương mặc dù đã được công nhận NTM, nhưng thiếu bền vững. 89 sản phẩm không còn đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện Ocop; một số chủ thể sản phẩm còn chạy theo thành tích về số lượng, chưa chú trọng nhiều đến chất lượng sản phẩm, có sản phẩm làm ra chỉ để được công nhận đạt còn khi cung ứng ra thị trường thì rất hiếm; các địa phương chưa chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm chủ lực; sản phẩm Ocop vẫn còn mang tính thủ công là chủ yếu nên mẫu mã, hình thức của sản phẩm chưa được đẹp, việc liên kết, tiêu thụ và để sản phẩm đi vào các thị trường lớn như Siêu thị, trung tâm thương mại, hay là sàn giao dịch điện tử là tương đối khó.

Buổi tọa đàm đã có 7 lượt ý kiến phát biểu tham luận của các Sở, ngành, địa phương và chủ thể sản phẩm Ocop nêu lên giải pháp đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng và phát triển dịch vụ, bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn; giải pháp nâng cao chất lượng và hỗ trợ xây dựng các kênh phân phối, kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; giải pháp giữ vững được các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn hiện nay; kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp cận, thụ hưởng cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời chỉ ra những khó khăn cần được quan tâm đó là: Nguồn lực đầu tư của các chủ thể còn hạn chế, việc tiếp cận vốn, cũng như cơ chế hỗ trợ ở một số nơi còn khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà, nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, đầu ra đôi lúc bấp bênh. Việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm mặc dù trong thời gian qua, tỉnh rất quan tâm tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến nhưng việc giải quyết đầu ra cho SP vẫn còn nhiều khó khăn.  

Phát biểu tại buổi tọa đàm Lê Thị Minh Tâm - UVBTV TW Hội NDVN - Tỉnh uỷ viên - Chủ tịch HND tỉnh nhấn mạnh: mục tiêu đặt ra từ nay đến 2025 cả chương trình NTM và Ocop là tương đối cao. Cần có thêm ít nhất 42 xã đạt chuẩn NTM; 58 xã NTM nâng cao; 15 xã NTM kiểu mẫu; thêm ít nhất 3-4 huyện đạt chuẩn NTM; 2-3 huyện NTM nâng cao; 230 thôn đạt thôn NTM. Đối với chương trình Ocop theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh và Quyết định 542 của UBND tỉnh cũng đặt ra nhiều nội dung, yêu cầu cần phải làm, kinh phí thực hiện NQ 07 ít nhất mỗi năm 10 tỷ đồng. Nhưng thực tế hiện nay, việc triển khai thực hiện cũng chưa đạt được nhiều kết quả mong muốn. Vì vậy, mỗi cấp Hội phải tự nhìn nhận, đánh giá lại vai trò cũng như trách nhiệm của mình, mạnh dạn đảm nhận những nội dung, phần việc trong xây dựng NTM ở địa phương; chú trọng đồng hành cùng chủ thể sản phẩm Ocop trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn để làm các thủ tục, quy trình công nhận sản phẩm, nâng tầm sản phẩm, thủ tục để hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là mỗi tổ chức Hội mạnh dạn đảm nhận hướng dẫn xây dựng 1 sp Ocop từ đầu vào cho đến đầu ra ổn định, bền vững chúng ta cần đặt mục tiêu để thực hiện. Đề nghị Sở NN&PTNT có sự tiếp thu, ghi nhận và phản ảnh với Sở, ngành chuyên môn,UBND tỉnh chỉ đạo; cũng như với chức năng chuyên môn sâu của Ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có sự chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt hơn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và chương trình Ocop.

Kết thúc chương trình Tọa đàm, các đại biểu tham quan tuyến đường Nông thôn mới tại xã Điện Quang và mô hình sản xuất thực phẩm chay Nhuận Minh tại xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, trực tiếp nhìn thấy hình ảnh thực tế sản phẩm của Xây dựng NTM và Sản phẩm Ocop tại Điện Bàn để học tập.

 

TH

Lượt xem:  229 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 186 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 90 120 160
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com