Ảnh minh họa.
Nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã có sự phát triển mang tính đột phá. Người dân đã áp dụng nhiều theo hướng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh khoảng 38,5 ha. Một số mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần làm tăng giá trị sản xuất thuỷ sản (tăng bình quân 5,6%/năm), năng suất tăng rõ rệt, chất lượng sản phẩm thuỷ sản từng bước nâng cao như: mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng trong nhà lưới, ứng dụng nuôi tôm thẻ 4 giai đoạn, ứng dụng công nghệ Biofloc, ứng dụng công nghệ bọt khí Micro-Nano Oxygen; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong nuôi lồng bè sử dụng các lồng nuôi làm bằng các vật liệu chắc chắn, bền (HDPE, composite) có khả năng chống chịu với môi trường nước, sóng, gió và giúp bảo vệ môi trường…
Tiếp tục phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác đảm bảo phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền hợp lý, tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ, hiện đại hóa đội tàu khai thác xa bờ nhằm giảm cường lực khai thác ven bờ, vùng lộng để bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, đảm bảo khai thác bền vững. Khuyến khích đầu tư phát triển tàu thuyền dịch vụ, hậu cần cho tàu khai thác ở ngư trường xa bờ. Nhiều nghiên cứu khoa học công nghệ về ngư lưới, cụ, thiết bị trong khai thác, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, giải pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản đã được đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả.