hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Quế Long phát huy nội lực (14/04/2014)
Dù nguồn vốn phân bổ hằng năm không nhiều nhưng nhờ địa phương biết phát huy tối đa nội lực cùng với định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp nên qua 3 năm được chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), xã Quế Long (huyện Quế Sơn) đã thực sự đổi thay…

 Nông - lâm kết hợp

Ông Lê Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Quế Long cho biết, hiện mỗi vụ nông dân Quế Long sản xuất 248ha lúa, trong đó hơn 90% chủ động nước tưới, tăng 30% so với năm 2009 trở về trước. Giữa năm 2011 đến nay xã đã đầu tư 1,2 tỷ đồng nâng cấp 6 đập thời vụ gồm Nà Lầu, Ồ Ồ, Bà Lành, Cây Gạo, Ông Chung, Đập Diệm. Ngoài ra, địa phương cũng kiên cố hóa 5,7km kênh chính và nội đồng, nâng tổng số kênh mương được bê tông hóa đến thời điểm này lên 8,5km với tổng kinh phí đầu tư gần 5,3 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 3,7 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Nhân nói: “Bên cạnh việc tập trung lo chuyện nước tưới thì thời gian qua chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện cũng chú trọng đến khâu chuyển giao kỹ thuật sản xuất cũng như hỗ trợ nhiều loại giống mới cho nông dân gieo sạ đại trà. Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây năng suất lúa bình quân toàn xã không ngừng tăng lên, nếu như năm 2010 chỉ đạt 39 - 40 tạ/ha thì nay tăng lên 46 - 47 tạ/ha”.
Hạ tầng giao thông ở Quế Long được xây dựng kiên cố. Ảnh: MAI NHI
Hạ tầng giao thông ở Quế Long được xây dựng kiên cố. Ảnh: MAI NHI
Ngoài việc tạo “cú hích” cho cây lúa thì thời gian qua Quế Long cũng rất quan tâm phát triển kinh tế lâm nghiệp. Sau gần 5 năm chăm sóc, cuối năm 2013 bà Nguyễn Thị Dung trú thôn Lộc Thượng 1 đồng loạt khai thác 6 sào keo lá tràm, thu về 25 triệu đồng. Trừ chi phí mua cây giống và phân bón, bà Dung lãi ròng 18 triệu đồng. Ông Trần Long - cán bộ chuyên trách lĩnh vực xây dựng NTM của xã cho biết, tổng diện tích rừng sản xuất của địa phương là 442ha, tập trung chủ yếu ở thôn Lãnh An và Lộc Sơn, bình quân mỗi năm toàn xã có 60ha rừng keo nguyên liệu đến kỳ khai thác, mang lại nguồn thu nhập khoảng 3 tỷ đồng cho nông dân. Ông Long khẳng định: “Phát huy lợi thế đất rừng, mấy năm qua đời sống người dân nơi đây khấm khá hẳn lên, nhà cửa được xây dựng khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn. Thời gian tới, chúng tôi vẫn xác định lấy sản xuất nông - lâm kết hợp làm hướng đi chính trong việc phát triển kinh tế ở địa phương”.
 
Chú trọng đào tạo nghề
 
Năm 2010 trở về trước, cuộc sống của gia đình ông Dương Văn Nghĩa ở thôn Trung Thượng (xã Quế Long) gặp nhiều khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương tạo điều kiện, tháng 3.2013 ông Nghĩa tham gia học lớp chăn nuôi gà an toàn sinh học và được hỗ trợ vay ưu đãi 12 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ban đầu, ông Nghĩa thả nuôi 300 con gà chuyên thịt, nhờ áp dụng bài bản kiến thức đã học vào thực tiễn nên đàn gà phát triển rất tốt và không bị dịch bệnh. Từ đó đến nay, cứ theo chu kỳ 3 tháng xuất bán một lần, sau khi trừ các khoản chi phí về con giống, thức ăn, ông Nghĩa đã thu lãi hơn 30 triệu đồng. Ông Nghĩa nói: “Tôi và nhiều hộ dân khác rất có hứng thú khi tham gia các lớp đào tạo nghề, bởi nhờ được thực hành nhiều nên nắm bắt kiến thức kỹ càng. Hiện nay, tôi đang mở rộng quy mô chăn nuôi lên gấp đôi vì mô hình này phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, đầu ra tương đối ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao”.
 
Ông Trần Long thông tin, 3 năm qua, địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan ở huyện và tỉnh mở 4 lớp đào tạo nghề cho người dân, gồm chăn nuôi thú y, phòng bệnh cho gà, chăn nuôi gà an toàn sinh học, trồng lúa chất lượng cao. Bình quân mỗi lớp có 35 học viên và thời gian học kéo dài trong 3 tháng. Ngoài ra, xã còn tổ chức 25 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thu hút gần 1.500 lượt người tham gia. Đặc biệt, thông qua công tác đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật đã hỗ trợ nông dân phát triển nhiều mô hình chăn nuôi nhím thương phẩm, heo siêu nạc, gà lấy trứng và thực hiện chương trình IPM - quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng. Dự kiến năm 2014, xã Quế Long tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn mở thêm 2 lớp đào tạo nghề trồng tiêu và rau sạch. Qua đó, giúp nông dân có hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế hộ, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng NTM.
 
Đầu tư kết cấu hạ tầng
 
Đến nay, Quế Long đã hoàn thành 13 tiêu chí quốc gia về NTM, gồm: quy hoạch, giao thông, điện nông thôn, chợ, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, môi trường, bưu điện, nhà ở dân cư, cơ cấu lao động, hệ thống chính trị xã hội, an ninh trật tự. Năm 2014, xã phấn đấu đạt 4 tiêu chí nữa là thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế và quyết tâm hoàn thành 2 tiêu chí còn lại vào cuối năm 2015 để chính thức trở thành xã NTM theo lộ trình đề ra.
Được biết, 3 năm qua, tổng số tiền Quế Long huy động để đầu tư cho chương trình này là gần 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép 12 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 13 tỷ đồng…
Bước trên con đường bê tông phẳng lì dài 350m từ ngõ Dốc Đập đến ngõ Ông Kế, bà Trần Thị Hường (73 tuổi, trú thôn Lộc Thượng 1) phấn khởi: “Ngày trước, nhiều tuyến đường ở đây đầy ổ voi, ổ gà. Hễ trời mưa xuống là nhão nhẹt bùn, người đi xe máy té ngã liên miên. Cách đây vài tháng, được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, nhân dân chúng tôi góp thêm công sức và tiền của đổ bê tông hết nên bây giờ việc giao lưu, buôn bán, trao đổi hàng hóa rất thuận lợi, con cháu đi học cũng dễ dàng hơn”.
 
Ông Lê Văn Nhân khẳng định, thành công lớn nhất trong việc xây dựng NTM của Quế Long chính là được người dân hưởng ứng nhiệt tình, trong đó phong trào tham gia làm giao thông nông thôn được dấy lên mạnh mẽ, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Theo ông Nhân, trong 3 năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xã đã kiên cố hóa được 9,5km đường liên xã, liên thôn, liên xóm, nâng tổng số đường nông thôn được đổ bê tông trên toàn xã lên 27km (chiếm tỷ lệ 73%) với tổng kinh phí đầu tư gần 5,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,5 tỷ đồng.
 
Ngoài việc tập trung xây dựng hạ tầng giao thông, cuối năm 2011 đến nay nhân dân Quế Long còn góp công, góp của làm mới, tu sửa 5 nhà sinh hoạt văn hóa thôn với tổng số vốn gần 1,2 tỷ đồng. Đặc biệt, địa phương cũng đã hoàn thành các thủ tục, hỗ trợ xây dựng 68 nhà ở cho những gia đình thuộc diện chính sách, hộ nghèo theo Quyết định số 22 và số 167 của Thủ tướng Chính phủ. Cạnh đó, người dân cũng tự bỏ kinh phí xây dựng mới 40 ngôi nhà kiên cố với số tiền 3,2 tỷ đồng, nhờ vậy đã nâng tỷ lệ nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn NTM lên hơn 80%...
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  2,344 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 2 1 2
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com