Cách làm hay
Xác định, để phong trào xây dựng NTM được triển khai sâu rộng, hiệu quả, trước hết cần nhất là công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Do đó, hằng năm, sau khi nhận được kế hoạch triển khai sản xuất, lãnh đạo thôn sẽ tiến hành họp quân dân chính để quán triệt chủ trương kế hoạch. Triển khai cụ thể về công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu…cho cán bộ thôn được biết để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện. Sau khi họp quân dân chính, Ban Nhân dân thôn xây dựng kế hoạch cụ thể cho các tổ đoàn kết tổ chức họp nhân dân và phân công từng người xuống tổ đoàn kết để triển khai đến từng hộ gia đình, nắm bắt tình hình tư tưởng trong nhân dân, động viên, giải thích để nhân dân hiểu chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về công tác quy hoạch sản xuất, dồn điền đổi thửa, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; đồng thời phố biến cho nhân dân nắm rõ lịch thời vụ, cơ cấu giống cho từng vụ; chỉ đạo thực hiện công tác chỉnh trang đồng ruộng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, hầu hết nhân dân trong thôn nhận thức đúng đắn và phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối, chấp hành tốt các chủ trương đề ra.
Những mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân
Đối với công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch sản xuất, Ban Nhân dân thôn đã chủ động lập phương án, kế hoạch dồn điền đổi thủa, đồng thời phổ biến cho nhân dân trong thôn và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, qua đó chỉ đạo cho các tổ đoàn kết lập tiểu ban dồn điền đổi thửa cho từng tổ.
Trong quá trình tiếp thu ý kiến của nhân dân, những ý kiến hay, phù hợp luôn được Ban Nhân dân thôn tiếp thu một cách nghiêm túc và áp dụng vào các phương án đã vạch ra. Qua các cuộc họp, phương án quy hoạch cho từng cánh đồng, phương thức dồn điền đổi thửa, diện tích được quy hoạch của từng hộ…luôn được công bố rõ ràng, minh bạch cho toàn thể nhân dân được nắm rõ, triển khai và thực hiện. Đặc biệt, thôn đã phát huy hiệu quả vai trò gương mẫu của một số hộ dân nòng cốt, tranh thủ ý kiến của người cao tuổi có am hiểu về ruộng đất trước đây để bàn bạc các nội dung và đi đến thống nhất trước khi triển khai sâu rộng trong nhân dân…
Chia sẻ về những kinh nghiệm của thôn trong công tác dồn điền đổi thửa, ông Võ Thám- Trưởng thôn Dương Đàn cho biết: “ Trước hết cần xác định công tác dồn điền đổi thửa là sắp xếp lại đất sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Song song với đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phải được đặt lên hàng đầu, bởi có tạo sự đồng thuận trong nhân dân thì mới có sức mạnh của sự đoàn kết. Phải triển khai, tổ chức thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau, vừa mềm dẻo, vừa linh hoạt, không chủ quan, nóng vội để người dân thực sự tin tưởng và hoàn toàn tự nguyện. Đồng thời cần xây dựng lực lượng nòng cốt, tập hợp những người có uy tín để vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân…”
Hiệu quả cao
Nhờ sự thống nhất, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thôn, 3 năm qua đã thực hiện đưa vào quy hoạch dồn điền đổi thửa trên 30 ha; đầu tư hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu 20 ha để sản xuất lúa giống TBR45 trong vụ Đông Xuân 2012-2013 và PC6 trong vụ Đông Xuân 2013-2014. Ban Nhân dân thôn cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nhân dân, như kỹ thuật ngâm ủ tập trung, phương pháp sử dụng công cụ sạ hàng...Từ kết quả dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa nên giá trị thu được đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, tăng 30 triệu đồng/ha/năm so với khi chưa thực hiện dồn điền đổi thửa. Phát huy những kết quả đạt được, vụ Đông Xuân 2013-2014, thôn Dương Đàn đã đưa vào sản xuất hết 20ha lúa giống PC6 và đem lại năng suất cao cho bà con nông dân.
Nhìn chung, trong thời gian với sự quyết tâm nỗ lực của Ban Nhân dân thôn cộng với sự hưởng ứng nhiệt tình của quần chúng nhân dân và sự hỗ trợ nhiệt tình của Ban Chỉ đạo các cấp, công tác quy hoạch dồn điền đổi thửa trên địa bàn diễn ra khá thuận lợi và cơ bản đạt được yêu cầu đề ra. Góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân.