Nằm biệt lập giữa dòng sông Đào-nơi được người dân gọi là Bãi Qúy, thuộc địa phận xã Thành Lập, trang trại cây của gia đình ông Hoa nổi bật với khu vườn quất dược liệu xanh ngút ngàn, những rặng nhãn đang độ trổ hoa, kết trái nối đuôi nhau tưởng như chạy dài tới tận chân trời...
Bốn năm nay, ông Đoàn Văn Hoa chuyển từ trồng quất cảnh sang trồng quất dược liệu cho thu nhập cao.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Khoái Châu – vùng đất chuyên canh nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên nên theo như lời của ông Hoa thì “máu cây cối” lúc nào cũng rực trong người. Được biết, trước đây ông Hoa từng tham gia tình nguyện Việt Nam tại Lào. Sau đó, khi về nước, sức khỏe không được tốt nên ông chật vật tìm kế mưu sinh. Cuộc “tha hương cầu thực” đưa ông bén duyên với mảnh đất Thành Nam.
“Năm 2011, gia đình quyết định sang Vụ Bản, Nam Định để thuê đất làm trang trại. Ban đầu, gia đình tôi thuê 2ha đất để trồng quất cảnh. Nhưng do yêu cầu của thị trường ngày càng cao, hơn nữa việc canh tác tốn rất nhiều công sức nhưng năm được năm mất. Thật may, từ năm 2014, vùng đất Bãi Qúy được chọn làm vùng dược liệu sạch và gia đình tôi đã được chọn để tham gia vào dự án Biotrade. Cũng từ đây tôi bắt đầu làm quen với việc trồng quất dược liệu”, ông Hoa phấn khởi cho hay.
Ông Đoàn Văn Hoa cho hay, trồng quất dược liệu không tốn tiền mua thuốc trừ sâu, phân bón hóa học mà công chăm sóc thì nhẹ đi rất nhiều so với trồng quất cảnh.
Đưa chúng tôi “mục sở thị” vườn quất dược liệu của gia đình, ông Hoa cho biết thêm:“Quất dược liệu không đẹp về mẫu mã, thậm chí là trông xâu xấu nhưng hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng vì chúng tôi không hề sử dụng bất cứ loại thuốc kích thích hay hóa chất nào. Thay vì việc sử dụng phân bón hóa học, gia đình tôi sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là bột đậu tương để làm phân bón, giúp cây quất dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người khi đã làm thành thuốc…”.
Ông Hoa cho biết, mỗi ngày vườn quất dược liệu của gia đình cho thu hoạch trung bình khoảng 7 tạ, mỗi năm từ 50-60 tấn quất quả, cho doanh thu khoảng 800 – 900 triệu đồng. |
Được biết, trong vòng 1-2 tháng tới, dự án vùng dược liệu của gia đình ông Hoa còn mở rộng lên tới 5ha bởi nhu cầu quất quả làm thuốc còn lớn. Khi đã có 5h quất dược liệu, thu nhập mỗi năm của gia đình ông Hoa không phải là gần 1 tỷ nữa mà phải gấp mấy lần. Ngoài thu nhập từ quất dược liệu, gia đình ông Hoa còn có nguồn thu không nhỏ từ 1ha quất giống, 1 ha nhãn, 3 ha trồng đỗ tương…
Khi được hỏi về những khó khăn trong việc trồng quất dược liệu, ông Hoa bộc bạch: “Thực ra trồng quất dược liệu đơn giản hơn nhiều so với trồng quất cảnh. Các công đoạn để tạo nên được một cây quất cảnh khá phức tạp và tốn nhiều công sức như tỉa tót, chăm bón, đảo rễ. Còn đặc trưng của quất dược liệu chính là việc để cây phát triển tự nhiên. Hơn nữa, quất dược liệu có bộ rễ chùm sâu, rộng và ăn chắc vào đất nên sức đề kháng cực tốt. Năm ngoái lụt lội kéo dài, trồng quất cảnh thì có khi mất trắng như chơi, thế mà quất dược liệu nhà tôi chả hề hấn gì…”.
Bên cạnh bán quất quả, gia đình ông Hoa còn có thêm nguồn thu từ việc bán cây quất giống.
Theo ông Hoa, quất quả sau khi thu hoạch sẽ được chuyển đến nhà máy làm thuốc cách đó 30km để sản xuất các loại thuốc ho, thuốc cảm cho trẻ em. Ông Hoa luôn là người kiểm tra cuối cùng, loại bỏ những quả hỏng để đảm bảo quất dược liệu mang đi đủ tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Kchỉ làm giàu cho gia đình, ông Hoa còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nhân công lao động trên địa bàn huyện Vụ Bản