Cuộc "hôn phối" kỳ lạ giữa 2 giống dừa
Xuất thân trong một gia đình nông dân, cha mẹ chỉ có 8 công đất rồi chia đều cho 8 người con để gầy dựng cuộc sống riêng tư. Do đất ít, những người em của Hai Bửu không bám trụ trên phần đất của cha mẹ cho. Tiền dành dụm từ nghề làm cây giống, Hai Bửu đã lần lượt mua lại phần đất của các em.
Trên phần đất của người cha để lại đã trồng dừa xiêm ta và quýt, hiệu quả không cao, Hai Bửu đã sớm nghĩ đến việc chuyển đổi cây trồng.
Hai Bửu chăm sóc dừa dứa lai. Cây nào cây nấy dù còn thấp tè nhưng đã đeo trĩu quả đến "phát hờn". Ai qua vườn dừa dứa lai của Hai Bửu cũng mê tít bởi những cây dừa trái cả là trái.
Tuy nhiên, ông không chọn cây sầu riêng hay chôm chôm như nhiều hộ dân có đất liền kề để trồng. Năm 2007, Hai Bửu mua hơn 100 cây dừa dứa Thái với giá 60 ngàn đồng/cây để trồng. Dừa trồng chết một số, còn lại vài chục cây. Năm 2010, dừa dứa Thái cho trái nhưng bị lai, tỷ lệ trái đạt dưới 30%.
Nghe thông tin ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm có 1 nông dân đi bộ đội ở Campuchia đem giống dừa dứa về trồng cho trái sai, tỷ lệ trái đạt cao, Hai Bửu thuê 1 lao động rồi cùng xuống tận Hưng Phong xem thực hư.
Được tận mắt chứng kiến, thưởng thức nước dừa dứa, Hai Bửu thích thú ngay. Ông mua 500 trái dừa dứa khô. Hai Bửu còn nhờ người đi cùng lên cắt lấy phấn đực từ những bông dừa đang trổ mang về.
Từ Hưng Phong về Phú Phụng, trong đầu ông nhớ lại những kiến thức ở lớp tập huấn ngắn hạn về lai tạo cây trồng mà ông đã được một người thầy (tên Duyệt) quê ở Tiền Giang giảng dạy.
Hai Bửu nhớ lại: “Các bước thực hiện rất công phu. Mình phải tìm những nhụy cái đang đến đỉnh điểm thụ phấn, vệ sinh sạch sẽ khu vực thụ phấn rồi mới tiến hành. Không để kiến, ong mang phấn đực từ những cây dừa khác đậu vào nhụy cái sẽ xảy ra thụ phấn chéo thì công sức của mình coi như trôi sông. Mặt khác, mình phải che chắn kín đáo, không để gió mạnh tác động vào làm rơi phấn đực vừa thụ phấn...”. |
Ngay hôm sau, Hai Bửu ra vườn, tìm những cây dừa dứa Thái đã trồng đang trong thời điểm nhụy cái bung ra, lấy phấn đực mang về cho thụ phấn vào.
Trái dừa do ông thụ phấn có hình hài hoàn thiện dần. Đến tháng thứ 6, Hai Bửu bổ trái dừa dứa Thái đã lai với dừa dứa tự nhiên thưởng thức kết quả thật bất ngờ. Nước dừa thơm phức mùi dứa.
Hai Bửu tiếp tục mở rộng việc lai tạo cho những cây dừa dứa Thái còn lại. Nếu như dừa dứa Thái trồng từ 3 - 3,5 năm cho trái, thì dừa lai tạo chỉ mất khoảng 2,5 - 3 năm là cho trái. Dừa dứa Thái cho từ 15-17 trái/buồng còn dừa dứa đã lai từ buồng thứ 5 - 6 đã cho hơn 20 trái, mẫu mã đẹp hơn dừa dứa Thái.
Hiện tại, Hai Bửu đang nghĩ đến việc lấy phấn của những cây dừa dứa đã lai thành công (F1) thụ phấn vào những cây dừa đã mua ở Hưng Phong để cho ra thế hệ dừa dứa F2. Theo Hai Bửu, vẫn phải chờ 2,5 năm nữa mới biết kết quả. Nhưng ông vẫn hy vọng tỷ lệ trái thơm mùi dứa sẽ được nâng lên. Ai cũng công nhận, cách làm của Hai Bửu đối với cây dừa là lạ mà hay.
Nghe tin thầy Duyệt từ Tiền Giang có chuyến công tác ở huyện Chợ Lách, Hai Bửu đã mang trái dừa dứa lai tạo thành công mời thầy thưởng thức. Sau khi nghe Hai Bửu tường thuật lại việc lai tạo, thầy Duyệt rất tự hào về sự cần mẫn của học trò. Bởi, thầy đã truyền đạt kiến thức sách vở cho rất nhiều học trò nhưng người ứng dụng vào thực tế, đặc biệt là đối với cây dừa thì thành công rất hiếm hoi.
Quân tâm cả khâu chăm sóc
Không chỉ thụ phấn thành công, có được giống dừa dứa lai, với tỷ lệ trái thơm cao hơn giống dừa dứa Thái, Hai Bửu còn quan tâm đến việc chăm sóc cho vườn dừa. Bước vào khu vườn dừa của ông cảm giác thoáng mát, bởi lớp cỏ lá tre phủ lên bề mặt giữ ẩm cho đất.
Trung bình khoảng 1,5 tháng là ông cắt cỏ 1 lần, giữ cỏ ở chiều cao từ 6 - 7cm. Phần cỏ cắt tỉa trở thành phân hữu cơ cho đất. Dừa trồng cây cách cây 6m, có khai mương hẵn hoi. Mỗi tháng ông bón 1,5kg phân NPK/cây, phân trung lượng và hữu cơ sinh học bón 2kg/cây để đất không bạc màu.
Muối ăn (chất natri), ông bón 2,5kg/cây/năm. Thuốc trừ sâu sinh học và thuốc tỏi đã xay thành bột phun xịt 2 tháng/lần phòng trừ sâu, bọ, rệp sáp... hại cây dừa. Hai Bửu tâm đắc: “Em nhìn mương vườn cá tung tăng bơi lội. Rau mọc ở đây anh hái vào ăn không phải lo sợ phân thuốc hóa học”.
Cây dừa dứa lai cho trái to, mẫu mã đẹp trong vườn dừa của ông Hai Bửu.
Thời điểm nắng nóng, oi bức như hiện nay, Hai Bửu thu hoạch dừa tươi uống nước không đủ bán. Thương lái đến tận vườn mua với giá 10 ngàn đồng/trái. Mỗi tuần, Hai Bửu cung cấp cho thương lái từ 400 - 600 trái dừa uống nước để chuyển lên TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ, tại địa phương mỗi ngày chỉ vài chục trái.
Vào mùa mưa, nhu cầu thị trường về dừa tươi để uống nước giảm. Hai Bửu chuyển sang để dừa khô, ươm dừa giống. Hạn chế của dừa dứa lai là phôi rất yếu nên tỷ lệ trái nảy mầm khoảng 20% trở lại. Điều này cũng đồng nghĩa, giá dừa giống khá cao.
Cây dừa dứa lai cao 10cm, Hai Bửu giá bán 120 ngàn đồng. Trong khi đó dừa dứa Thái tỷ lệ ươm giống thành công cao nên giá chỉ vài chục ngàn đồng/cây. Tuy giá giống cây dừa dứa lai cao nhưng bù lại là ở chất lượng trái tốt nên luôn khan hiếm so với nhu cầu đặt mua.
Vườn dừa của Hai Bửu, cây cho trái lâu nhất 7 năm, thấp nhất 3 năm. Trung bình mỗi cây cho thu hoạch 24 buồng/năm. Theo tính toán của Hai Bửu, mỗi năm 1 cây dừa cho trái bán phải hơn 2 triệu đồng, trừ chi phí phân thuốc ông còn lợi nhuận trên 70%.
“Trồng dừa không phải lo đầu ra hay thất vụ. Công chăm sóc vẫn nhẹ nhàng hơn các loại cây ăn trái khác. Khu vườn đã đầu tư hệ thống tưới tự động, cứ 1 ngày tưới thì 2 ngày nghỉ. Cho nên, tôi rất an tâm gắn bó với cây dừa dứa” - Hai Bửu cho biết.
8 công đất vườn của ông Trần Tấn Bửu nằm liền kề với những vườn sầu riêng, chôm chôm cho trái trĩu cành. Nhưng Hai Bửu lại chọn dừa dứa lai để trồng. Có người bảo ông là người không bình thường. Còn ông tự tin gắn bó với cây dừa dứa, bởi nó đem lại nguồn thu ổn định.
|