|
Khu vực cánh đồng ngập úng hơn 1ha nay là đầm sen phát triển tươi tốt. Ảnh: PHAN VINH |
Đưa chúng tôi đi thăm mô hình đầm sen tại khu vực Xuyên Tây, anh Lê Minh Phát kể, trước đây khu vực này được UBND thị trấn Nam Phước triển khai dồn điền đổi thửa với mong muốn tạo cánh đồng lớn và giải quyết vấn đề ngập úng cho hơn 1ha đất lúa ở đây. Tuy nhiên, vì chân ruộng quá thấp nên người dân sản xuất vẫn không hiệu quả bằng những nơi khác.
“Tôi và anh Hiền cùng đang công tác tại UBND thị trấn Nam Phước nên hiểu rất rõ trăn trở của điạ phương đối với khu đất ngập úng này. Và chúng tôi dự tính sẽ thuê lại đất từ người dân rồi đầu tư cải tạo làm hồ sen. Rất may là ý tưởng của hai anh em được lãnh đạo địa phương ủng hộ nên chúng tôi đặt quyết tâm triển khai” - anh Phát nói.
Hơn 1ha đất ngập úng này đang là đất canh tác của 15 hộ dân, anh Hiền và anh Phát làm hợp đồng thuê đất 5 năm với họ. Vì đất sản xuất kém hiệu quả nên các hộ dân đều thống nhất bàn giao. Cuối năm 2018, các anh tiến hành nạo vét đầm, đắp bờ và thả sen giống. Khu vực này ở vùng trũng thấp nên nguồn nước bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối. Nhưng sau khi cải tạo và trồng sen, nguồn nước ở đây bắt đầu được thanh lọc và không còn tình trạng ô nhiễm.
|
Thời gian tới, anh Hiền và anh Phát sẽ đầu tư khu du lịch sinh thái tại khu vực đầm sen. Ảnh: PHAN VINH |
Đến nay, đầm sen đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch lứa đầu tiên, ước tính thấp nhất năng suất sẽ đạt khoảng 2 tấn và cho doanh thu khoảng 80 triệu đồng. Anh Hiền cho biết: “Tổng vốn đầu tư của chúng tôi đến hiện tại khoảng 50 triệu đồng, như vậy, thu hoạch lứa sen này cơ bản sẽ hoàn vốn. Đây mới chỉ là bước đầu tiên trong mô hình, sau khi qua mùa mưa, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng các chòi lá, làm cầu nối các bờ và thả cá để thành lập khu vui chơi, giải trí sinh thái”.
Cũng theo anh Hiền, mô hình du lịch sinh thái đầm sen khi được triển khai sẽ là điểm nhấn trong phát triển dịch vụ du lịch tại thị trấn Nam Phước. Đồng thời cũng sẽ là vùng đệm cho du khách ghé chân trên đường du lịch từ phố cổ Hội An đi thánh địa Mỹ Sơn, vì khu vực đầm sen nằm sát bên quốc lộ 14H (đường 610 cũ).
Ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, địa phương rất ủng hộ việc mạnh dạn cải tạo đất ngập úng để triển khai mô hình trồng sen của anh Hiền và anh Phát. Mô hình ban đầu đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực và hiệu quả.
“Thời gian tới, địa phương rất khuyến khích ý tưởng xây dựng mô hình du lịch sinh thái tại khu vực đầm sen bởi vì đây sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Nam Phước. Hiện tại, trên địa bàn vẫn chưa có mô hình nào như vậy nên nếu được triển khai, đây sẽ là điểm nhấn để phục vụ du khách trên trục đường du lịch liên kết với nhiều địa phương khác” - ông Hưng nói.