Nguyễn Thị Như Lý (ngoài cùng bên trái) khởi nghiệp với du lịch sinh thái “Dừa ven sông”. Ảnh: N.Trang
Tích lũy kinh nghiệm
Thị trường du lịch được đánh giá là mảnh đất đầy tiềm năng dành cho những người trẻ. Ý thức sớm điều đó, Nguyễn Thị Như Lý hoạch định cho riêng mình các ý tưởng cũng như sự sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm làm du lịch sinh thái tại rừng dừa Bảy Mẫu. Gặp chúng tôi, chia sẻ về hành trình gian nan hơn 10 năm làm du lịch, Lý không khỏi bồi hồi và xen lẫn niềm tự hào khi vượt qua bao thử thách. Năm 2009, Lý tốt nghiệp THPT và đỗ vào Trường Đại học Thể dục – thể thao Đà Nẵng, vì điều kiện gia đình quá khó khăn nên cô đành gác lại việc học. Đam mê theo đuổi con đường làm du lịch thôi thúc, cô gái trẻ quyết định làm việc ở các tiệm vải dành cho khách nước ngoài, bên cạnh đó Lý xin học tiếng Anh giao tiếp và một số kỹ năng làm du lịch.
Nhờ khả năng giao tiếp tốt và gây ấn tượng, rất nhiều khách Tây kết bạn và về tham quan gian nhà nhỏ của Lý ở ngay rừng dừa ven sông. Từ đây, Lý có dịp trổ tài chèo thúng đưa những người bạn ngoại quốc tham quan quê mình. Nhắc đến điều này, Lý nói: “Khách nước ngoài thích thú với cảnh quan tự nhiên ở rừng dừa. Thêm vào đó mình còn giới thiệu đôi nét về lịch sử phát triển nơi này, hát điệu hò khoan lúc chèo thúng, ai nấy đều vui và giới thiệu nhiều khách khác tìm đến mình”. Ngay sau khi có tuyến đường biển Tam Kỳ - Cửa Đại, căn nhà của Lý lộ ra cùng với những chiếc thúng neo đậu tại rừng dừa ven sông. Lúc này, cô gái trẻ đưa ra quyết định mở doanh nghiệp lữ hành “Dừa ven sông”. Số tiền bao năm chắt chiu dành dụm từ công việc bán hàng ở shop vải, Lý dùng làm vốn ban đầu để khởi nghiệp với ước mơ làm du lịch sinh thái.
Lập nghiệp trên quê hương
Xây dựng kế hoạch và thử nghiệm cách làm từ lâu, nhưng mãi đến đầu năm 2019, Nguyễn Thị Như Lý mới chính thức phát triển doanh nghiệp lữ hành “Dừa ven sông”. Chặng đường hoạch định và hiện thực hóa ước mơ ngót nghét hơn 10 năm, bao nhiêu đó đủ để chứng minh cho tài năng, nghị lực của Lý. Gia đình của Lý có ba mẹ trước kia từng là ngư dân bám biển nên có tay nghề chèo thúng, xoay thúng điêu luyện, việc chở khách tham quan cũng trở nên dễ dàng. Ngoài ra, cô gái trẻ còn tạo điều kiện cho hơn 30 lao động tương đương với 30 thuyền thúng, hầu hết người lao động đều có đời sống khó khăn tại thôn Vạn Lăng. Cứ một chuyến chèo thúng, người chèo được trả công 70 nghìn đồng, mỗi ngày có từ 3 – 5 chuyến, tính ra thu nhập mỗi tháng từ 4,5 – 6 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Láo (65 tuổi, trú thôn Vạn Lăng) chia sẻ: “Tôi có tuổi rồi, không thể làm việc nặng được nữa. Ở xứ dừa này cũng đâu có ruộng làm lúa. May sao cô Lý tạo điều kiện theo nghề chèo thúng kiếm thu nhập và cũng tìm niềm vui tuổi xế chiều!”.
Bởi tuổi thơ lớn lên với bao kỷ niệm cùng quê dừa ven sông, nên tâm thức của Lý luôn nhớ về những điều tốt đẹp ấy. Đó cũng chính là ý tưởng “đưa tuổi thơ của trẻ em quê dừa đến du khách”. Bằng cách làm hay và sáng tạo, Lý dạy cho du khách làm các món đồ lưu niệm từ lá dừa: đồng hồ, nhẫn, cào cào, cua, cá… Tour tham quan rừng dừa Bảy Mẫu kéo dài từ 45 đến 60 phút, giúp cho cô gái trẻ đến gần hơn với du khách bằng những câu chuyện về đất và người quê hương xứ dừa ven sông. Hơn thế nữa, du khách còn trải nghiệm về sự nhẫn nại và chịu khó vung tay quăng chài, câu cá, câu cua với đầy ắp tiếng cười. Ông Ashton (du khách đến từ Úc) bày tỏ sự thích thú: “Thật may vì tour tham quan của vợ chồng tôi có sự hướng dẫn nhiệt tình của bạn Lý. Tại đây, chúng tôi trải nghiệm rừng dừa bằng mắt, bằng tai nghe và cả trái tim yêu thương vùng đất này”.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp trên quê hương rừng dừa ven sông, Nguyễn Thị Như Lý nói: “Mình rất hạnh phúc vì bây giờ đã có thể tự làm cho chính mình. Vui hơn cả là được tạo điều kiện cho bạn bè và các cô chú trong thôn cùng làm du lịch sinh thái. Nhiều dự định vẫn còn ấp ủ, mình tin sẽ làm tốt nếu có đam mê!”.